VPN là gì? Hướng dẫn sử dụng VPN cho người mới

VPN là gì? Hướng dẫn sử dụng VPN cho người mới

VPN trước giờ có lẽ được đa phần người dùng phổ thông biết đến bởi tính năng giúp truy cập các trang web bị chặn. Tuy nhiên đó là một trong số rất ít những tính năng hữu ích mà nó mang lại. VPN đóng một vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ truy cập và bảo vệ thông tin.

Cụ thể nó là gì, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết này nhé.

VPN là gì?

VPN là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Virtual Private Network. Nó có nghĩa là mạng riêng ảo. Bản thân tên của nó cũng đã nói lên tất cả về tính chất của mạng VPN. Đó là một mạng kết nối riêng và được ảo hoá hoàn toàn. Vậy cụ thể thì VPN là gì? Trước khi tìm hiểu kỹ về VPN chúng ta hãy cùng nhau hiểu cách thức mạng Internet hoạt động như nào nhé. 

Cách thức mạng Internet hoạt động

Bạn biết Internet chứ, chúng ta sử dụng Internet hàng ngày cho nhiều mục đích khác nhau như lướt web, lướt Facebook, xem phim … Bất kỳ hành động nào như vừa rồi mình có liệt kê thì nó đều theo một chu trình như sau. 

  • Khi bạn bắt đầu hành động, ngay lập tức dữ liệu sẽ bắt đầu xuất phát từ máy tính hoặc các thiết bị cầm tay của bạn như điện thoại, máy tính bảng.
  • Sau đó nó sẽ đi qua các thiết lập nội bộ. Ở đây có thể là hệ thống router, phát wifi hay bất cứ thứ gì đó trong hệ thống mạng nhà bạn.
  • Sau khi vượt qua hệ thống thiết lập nội bộ rồi, nó sẽ được đưa ra môi trường chung mà chúng ta vẫn hay gọi là Internet. Internet ở đây nó giống như một sân chơi chung vậy, có rất rất nhiều website và dịch vụ trên đó. Vậy làm thế nào để dữ liệu từ máy bạn biết được là cần đi đến đâu giữa “sa mạc” Internet rộng lớn như vậy? Để làm được điều này thì đó là vấn đề định danh trên Internet. Ví dụ khi bạn muốn truy cập Facebook từ máy tính nhà bạn thì bạn đã bắt đầu gõ Facebook.com. Đây nó giống như một địa chỉ nhà trên Internet vậy. Khi vào môi trường Internet, dữ liệu sẽ tìm kiếm địa chỉ Facebook.com để gửi dữ liệu đến đó. Đến đây là kết thúc chu trình đi.
  • Khi dữ liệu được gửi đến Facebook.com, họ sẽ trả lại bạn các thông tin mà bạn thường thấy như giao diện Facebook, đăng nhập … cũng theo các bước trên nhưng ngược lại. Vậy câu hỏi đặt ra làm thế nào để Facebook họ biết bạn là ai trên Internet để trả về thông tin mà bạn cần? Để làm được điều này thì khi bạn kết nối đến Facebook.com, lúc này họ đã lưu trữ các thông tin về địa chỉ IP, vị trí của bạn rồi. Và cái này được họ dùng làm định danh khi gửi lại dữ liệu cho bạn. Và đây là chu trình về.

Đây là một quy trình kết nối Internet bình thường mà hàng ngày chúng ta vẫn hay làm. Vậy thì VPN có vai trò gì ở đây?

Vai trò của VPN

Đến đây thì chúng ta có suy nghĩ là nếu mọi thứ đều thông suốt như vậy thì cần VPN để làm gì nữa? Thực ra trên thực tế không phải mọi thứ lúc nào cũng thông suốt như vậy. Đây là một số lý do tại sao lại cần VPN.

  • Có một số trường hợp bạn sẽ không thể truy cập được trang web của một số dịch vụ ở các vị trí địa lý khác nhau. Lấy ví dụ năm 2010, người dùng Internet trong nước không thể truy cập được đến Facebook. Tức là nó đã bị một bên thứ 3 nào đó chặn việc gửi dữ liệu đến tên miền này. Lúc này VPN sẽ giống như một lớp “mặt nạ” giúp chúng ta có thể “qua mặt” được “chốt chặn” đó và kết nối với Facebook bình thường.
  • Hoặc một ví dụ khác là việc chúng ta thường hay nhiều người kết nối chung vào một mạng (ví dụ công ty hoặc ở quán cafe) và kết nối ra Internet. Với người bình thường thì điều này hoàn toàn không có vấn đề gì. Nhưng với hacker thì đây lại là cơ hội để lợi dụng tấn công mạng. Hãy hình dung khi nhiều người cùng kết nối vào một hệ thống mạng nó giống với việc cùng đi chung vào một con đường hầm vậy. Bằng một thủ thuật nào đó người ta có thể chặn và bắt được các thông tin bạn gửi lên Internet. Cho nên đây là lý do tại sao mình luôn khuyên mọi người không nên truy cập các dịch vụ nhạy cảm như đăng nhập tài khoản ngân hàng, Facebook … ở các môi trường Internet công cộng. Lúc này với VPN nó sẽ tạo ra một vùng mạng riêng, bạn vẫn có thể kết nối đến Internet, đồng thời người khác cũng khó có thể đánh cắp thông tin của bạn được.

Hướng dẫn sử dụng VPN

Để sử dụng được VPN thì hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ cho mình những yếu tố cần thiết như một mạng Internet, một hệ thống nội bộ giúp bạn kết nối đến Internet (router, switch) và các thiết bị đầu cuối như máy tính, điện thoại … nhé. Sau khi có đủ yếu tố cần thiết rồi thì hay tuân theo các bước sau đây:

Bước 1: Tìm cho mình một nhà cung cấp dịch vụ VPN

Đương nhiên rồi, bạn có nhu cầu thì sẽ có người cung cấp dịch vụ này cho bạn. Bạn có thể tìm cho mình các dịch vụ VPN có phí hoặc miễn phí tuỳ vào nhu cầu. Nhưng thông thường tiền nào của đấy, miễn phí thì hệ luỵ của nó là kết nối chậm và không bảo mật.

Bạn có thể tìm kiếm trên Google với từ khoá dịch vụ VPN và lựa chọn cho mình một nhà cung cấp phù hợp theo các tiêu chí như thương hiệu, giá cả, chế độ chăm sóc khách hàng.

Hàng loạt các dịch vụ cung cấp VPN trên Google cho bạn lựa chọn.

Bước 2: Thiết lập VPN

Sau khi chọn được dịch vụ VPN phù hợp rồi thì hãy tiến hành thiết lập nó. Về cơ bản dịch vụ VPN hướng đến người dùng phổ thông và không quá chuyên sâu về công nghệ nên nó cũng tương đối dễ sử dụng. Sau khi đăng nhập vào bạn sẽ có danh sách các máy chủ được đặt tại các quốc gia khác nhau (xem ảnh dưới đây).

Lựa chọn máy chủ tại dịch vụ VPN

Hãy chọn cho mình một máy chủ tại một quốc gia phù hợp với nhu cầu của bạn. Ví dụ nếu dịch vụ bạn truy cập tại Đông Nam Á thì có thể lựa chọn các máy chủ tại Singapore. 

Bước 3: Thực hiện kết nối đến Internet

Khi chọn máy chủ xong và thực hiện kết nối bạn sẽ tạo ra một kết nối an toàn dạng như thế này.

Kết nối đến Internet thông qua VPN giúp an toàn hơn

Khi việc kết nối đến VPN thành công, tất cả dữ liệu của bạn khi ra ngoài môi trường Internet đều được mã hoá hoàn toàn. Và điều hay là khi truy cập đến các địa chỉ khác bên ngoài Internet như Facebook.com thì nó sẽ cung cấp địa chỉ IP và vị trí của VPN chứ không phải địa chỉ IP và vị trí mặc định của bạn. Ngược lại cũng vậy, từ Facebook.com nó sẽ gửi dữ liệu về lại địa chỉ của VPN đó. Rồi từ đây VPN sẽ mã hoá dữ liệu và gửi ngược trở lại máy tính của bạn. Như vậy cho dù rủi ro có bị hacker chặn và thu thập được dữ liệu thì cái hacker lấy được là các dữ liệu đã mã hoá mà thôi.

Nhược điểm của VPN

Về ưu điểm của VPN thì mình cũng đã nói khá nhiều ở trên rồi. Tuy nhiên nó vẫn có một số điểm yếu chưa được hoàn hảo cho lắm. Cụ thể:

  • Kết nối chậm: Nếu bạn xem mô hình kết nối với VPN ở trên thì bạn sẽ thấy nó là một đường vòng. Thay vì bạn kết nối trực tiếp đến Internet thì lại lại phải vòng qua môt đơn vụ trung gian rồi sẽ mới đến được Internet, chiều ngược lại cũng vậy. Thế nên chắc chắn tốc độ kết nối của bạn sẽ bị giảm đi rồi.
  • Tình trạng quá tải: Nếu có quá nhiều máy cùng kết nối đến một VPN đó cùng một thời điểm thì sẽ xảy ra tình trạng gián đoạn kết nối. Thậm chí trong một số trường hợp băng thông máy chủ sẽ bị hạn chế. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất kết nối trong công việc của bạn.
  • Không phù hợp: Một số dịch vụ trên Internet khi phát hiện ra người dùng sử dụng VPN thì họ sẽ chặn các kết nối đó ngay lập tức. Và Netflix là một ví dụ. Bởi vì việc sử dụng VPN giúp người dùng ẩn danh tính nên không phải nhà cung cấp dịch vụ nào cũng thích điều này.

Những trường hợp nào thì nên sử dụng VPN

Về bản chất mà nói VPN có khá nhiều ưu điểm, tuy nhiên việc sử dụng nó thường xuyên không phải lúc nào cũng có lợi. Thứ nhất bạn vừa mất tiền để mua dịch vụ VPN, thứ hai bạn sẽ phải chịu tốc độ chậm, băng thông hạn chế. Vậy nên hãy cân nhắc chỉ nên sử dụng VPN trong một số trường hợp cần thiết như dưới đây:

  • Cần kết nối bảo mật: Trong một số trường hợp nhạy cảm bạn cần phải truy cập vào các dịch vụ như ngân hàng, tài khoản ví tiền điện tử … nhưng lại đang sử dụng mạng công cộng thì nên sử dụng VPN để đảm bảo an toàn. Thông thường với những mạng công cộng, mức độ bảo mật cực kỳ tệ.
  • Cần kết nối riêng tư: Trong một số trường hợp có thể bạn sẽ cần truy cập vào một số trang nhạy cảm mà quốc gia bạn không cho phép để tìm hiểu thông tin. Lúc này VPN sẽ giúp bạn giải quyết được điều đó.

Kết luận

Vậy tóm lại là VPN là một giải pháp giúp bạn bảo mật các thông tin của mình trên môi trường Internet thông qua kết nối mạng riêng ảo. Qua đó nó giúp đảm bảo sự riêng tư và bảo mật hơn trong quá trình sử dụng Internet của người dùng.

Tuy nhiên việc sử dụng Internet mọi lúc mọi nơi là điều không thực sự cần thiết. Tuỳ vào từng thời điểm nhạy cảm bạn mới nên cân nhắc sử dụng VPN để vừa hiệu quả và vừa tiết kiệm nhé. Hi vọng những thông tin vừa rồi đã giúp ích cho các bạn. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu như bạn thấy nó hữu ích nhé.

**Để mua các đồng tiền điện tử khác bằng VND, bạn có thể mua tại Fiahub: Mua Bitcoin; Mua Ethereum; Mua USDT; Mua ADA; Mua XRP