Nội dung bài viết
Tiền điện tử Petro được phổ cập hóa tại Venezuela
Nicolás Maduro, Tổng thống đang tranh cử của Venezuela, đã thông báo rằng mức lương tối thiểu của quốc gia sẽ tăng lên tương đương 30 USD so với mức trước đó là khoảng 2 USD. Theo ông Maduro, điều này sẽ được thực hiện bằng cách gắn (peg) mức lương tối thiểu hàng tháng với tiền điện tử Petro. Động thái tăng lương này của ông Maduro có vẻ như sẽ nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng (khoảng 10,000 nhân viên Chính phủ) đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn về cả kinh tế và chính trị đang xảy ra như hiện tại.
Theo như chia sẻ của ông Maduro, việc tăng lương của Chính phủ có thể thực hiện được bằng cách trích lập doanh thu từ thuế. Ông cũng cho biết sẽ thúc đẩy việc tăng lương để có hiệu lực trong tháng này bằng cách phối hợp với khu vực tư nhân khác của quốc gia. Khoảng lương tăng thêm này sẽ được gắn với 0.5 Petro.
Về Petro, đây là một loại tài sản tiền điện tử được hỗ trợ bởi dầu mỏ (nó tương tự như cách Tether được hỗ trợ bởi đồng đô la Mỹ vậy). Cộng hòa Bolivarian của Venezuela chịu trách nhiệm phát hành loại tiền điện tử này. Đồng Petro được phát hành trên một chuỗi khối (dựa trên DASH) đã được Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, không giống với mô hình của Tether, chúng ta không chắc nó được hỗ trợ bởi dự trữ dầu như thế nào? Giá của nó hoàn toàn do Ngân hàng Trung ương Venezuela ấn định và hiện được đặt ở mức khoảng 60 USD.
Trong khi có bất đồng quan điểm về việc tổng thống hợp pháp của Venezuela thực sự là ai, ông Maduro phần lớn vẫn giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực quân đội. Tuy nhiên, hơn 50 quốc gia (bao gồm cả Hoa Kỳ) lại công nhận Juan Guaidó là Tổng thống chính thức của Venezuela. Điều này đến từ sự cố xảy ra với cuộc tái cử của ông Maduro vào năm 2018.
Hiện tại, Venezuela có khoảng gần 30 triệu dân (bằng khoảng ⅓ Việt Nam). Quốc gia Nam Mỹ này đã phải hứng chịu những đợt lạm phát tăng phi mã trong những năm gần đây. Để dễ hình dung hơn thì giá một tách cà phê tại đây đã tăng gần 2,600% chỉ sau 1 năm (từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021). Không chỉ dừng lại ở đó, đáng buồn là nền kinh tế Venezuela đã trải qua quãng thời gian suy thoái kéo dài tới 7 năm.
Venezuela đang trở thành một trung tâm khai thác Bitcoin
Với vị thế của một quốc gia giàu dầu mỏ, Venezuela đã và đang nắm giữ những vị thế quan trọng trong nền lĩnh vực này. Điều này đến từ hai nguyên nhân chính, một trong số đó có liên quan đến đồng Petro của ông Maduro mà chúng ta đang nói đến ở trên.
Một là bên cạnh tiền điện tử Petro, Venezuela còn được biết đến là một trung tâm khai thác Bitcoin (Bitcoin mining hub) lớn trên toàn cầu. Với giá điện thấp tới 0.06 cent/kWh, việc khai thác tiền điện tử vô tình lại mang lại lợi ích lớn giữa lúc đất nước gặp khó khăn bởi kinh tế bất ổn và tỷ lệ thất nghiệp cao. Đó là lý do dẫn đến sự gia tăng hoạt động khai thác ở Venezuela.
Ngoài ra, lạm phát đang chạy ở mức gần 3,000%. Vì vậy, một số người sẵn sàng đặt cược mọi thứ vào ngành công nghiệp này, bất chấp lo ngại về sự biến động liên quan đến các loại tiền ảo này. Siêu lạm phát đã đeo bám đồng tiền bolivar của Venezuela, khiến nó mất giá so với đồng bạc xanh. Do đó, nhiều người coi tiền điện tử là một cách thoát khỏi vấn đề siêu lạm đang tồn tại ở đây.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ai tại đây cũng có thể tham gia vào khai thác và trở thành thợ mỏ ở quốc gia Nam Mỹ. Với mức lương tối thiểu khoảng 10 USD, nhiều người thiếu nguồn lực để đầu tư những thiết bị cần thiết cho việc khai thác.
Hai là vấn đề liên quan đến tiền điện tử Petro được ông Maduro đã tung ra vào năm 2017. Ông cho biết Petro sẽ mở đường để vượt qua các vấn đề về phong tỏa tài chính của Mỹ đối với quốc gia Nam Mỹ này. Nhưng có vẻ như vất chấp việc ông Maduro thúc đẩy nó trở nên phổ biến, đồng Petro đã không giành được lòng tin của người dùng hoặc nhà đầu tư. Mặt khác, Bitcoin lại trở thành một thứ gì đó hấp dẫn hơn với người dân tại quốc gia này.
Trước những lợi nhuận đến từ lĩnh vực này, mới đây Chính phủ Venezuela đã quyết định đánh thuế bất kỳ giao dịch hoặc thanh toán nào được thực hiện bằng ngoại tệ hoặc tiền điện tử. Theo đó, quốc gia sẽ đánh thuế 20% cho mỗi giao dịch, không có số lượng giới hạn.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.