Chính phủ Ukaine đã bỏ phiếu thông qua một khuôn khổ hợp pháp hóa Bitcoin (BTC) và tiền điện tử ở quốc gia của mình.
Nội dung bài viết
Bitcoin và tiền điện tử được hợp pháp hóa tại Ukraine
Vào thứ Năm, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật “Luật tài sản ảo (Law on Virtual Assets)”. Bản dự luật này cho phép hợp pháp hóa tiền mã hóa, chuẩn bị khuôn khổ cho việc quy định và quản lý các tài sản kỹ thuật số như Bitcoin. Điều này có nghĩa là nó sẽ hợp pháp hóa các sàn giao dịch tiền điện tử và tiền điện tử và người dân Ukraine có thể được bảo vệ khỏi bị lạm dụng hoặc gian lận có thể xảy ra.
Quốc hội Ukraine trước đây đã thông qua luật hợp pháp hóa tiền điện tử vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã phủ quyết dự luật ngay sau đó 1 tháng. Thời điểm đó ông cho biết Ukraine không đủ khả năng để tạo ra một hệ thống quy định hoàn toàn mới để quản lý tiền điện tử. Phiên bản mới nhất của luật về tài sản ảo mà Quốc hội vừa thông qua đã đặt quy định về tiền điện tử dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc gia về Chứng khoán và Thị trường Chứng khoán theo gợi ý của Zelenskyy.
Đáng chú ý, dự luật không công nhận Bitcoin hoặc các loại tiền điện tử khác như là một loại tiền tệ hợp pháp. Nói cách khác, Ukraine đã không đi theo con đường mà El Salvador đã chọn cũng vào hồi tháng 9/2021. Đổi lại, luật mới sẽ mang lại sự an tâm cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực mà trước đây vốn vẫn được xem là “vùng xám” với nhiều vấn đề tranh cãi.
Nước cờ của Ukraine là gì?
Thời gian gần đây, thị trường tài chính nói chung đã chứng kiến nhiều tin đồn xoay quanh cuộc chiến sắp nổ ra tại biên giới giữa Nga và Ukraine. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cảnh báo rằng Nga chuẩn bị xâm lược Ukraine. Một số nguồn tin cho rằng các lực lượng Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn đã vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn trước đó.
Tuần trước, Nga đã thực hiện một động thái lớn đối với Bitcoin khi họ tạm hoãn kế hoạch cấm tiền điện tử. Chính phủ và ngân hàng trung ương Nga hiện đã công nhận Bitcoin là một loại tiền tệ. Người ta suy đoán rằng động thái này được thúc đẩy bởi mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt, nếu được thực hiện, sẽ khiến Nga không hoặc khó có thể tiếp cận được với đồng bạc xanh.
Nếu những suy đoán này là sự thật thì có vẻ như thời điểm Luật tài sản ảo của Ukraine ra mắt đã có phần hơi bất thường. Rất có thể, đằng sau động thái có phần vội vã này là một kế hoạch đã được chuẩn bị trước. Theo một báo cáo được công bố bởi Elliptic, các khoản quyên góp bằng Bitcoin đã tăng vọt cho các nhóm tình nguyện và hacker của Ukraine khi lo ngại về một cuộc tấn công của quân đội Nga ngày càng tăng. Tất cả họ đều là những người ủng hộ chính phủ Ukraine. Báo cáo nói rằng các nhà tài trợ đang thanh toán thông qua Bitcoin cho các tổ chức phi chính phủ như vậy, bỏ qua các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể tác động trung gian khiến dòng tiền khó lưu thông.
Trước đây, khi quy định hành lang pháp lý về tiền điện tử vẫn chưa rõ ràng tại Ukraine, bản thân quốc gia này cũng đã phát triển mình trở thành trung tâm hàng đầu của châu Âu cho các ngành công nghiệp tiền điện tử. Chainalysis đã xếp hạng Ukraine thứ tư trên toàn cầu sau Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan về chỉ số chấp nhận tiền điện tử trong năm 2021. Theo New York Times, quốc gia Đông Âu này cũng xử lý nhiều giao dịch hơn mỗi ngày bằng tiền điện tử so với tiền tệ fiat của nó là đồng hryvnia.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.