Nếu như trước đây, người dùng có thể tạo ra bất kỳ món đồ nào trên thế giới kỹ thuật số, và những món đồ này không hề có giá trị vì chúng được tạo nên vô cùng đơn giản; thì hiện nay Blockchain đã thay đổi tất cả. Thế giới thực và ảo kết nối với nhau, tạo nên sự khan hiếm.
Những trào lưu sưu tập các tài sản hay đồ dùng NFT trong thế giới kỹ thuật số diễn ra mạnh mẽ, kéo theo những khoản phí khổng lồ để có thể sở hữu chúng. Cụm từ NFT cũng được nhắc đến nhiều hơn, thậm chí tràn ngập trên Internet và các hội nhóm công nghệ, Nền tảng Blockchain giúp biến mọi thứ trong cuộc sống thực thành một dạng đồ vật được giao dịch dưới dạng NFT trên các trang đấu giá trực tuyến, ví dụ tranh, vật phẩm game, nhạc, thẻ cầu thủ…
Tuy nhiên, NFT là gì và nó có thực sự là làn sóng công nghệ mới hay chỉ là bong bóng tài chính được dựng nên? Bài viết hôm nay, Fiahub sẽ cùng bạn phân tích và tìm hiểu nhé.
Nội dung bài viết
Thế nào là NFT?
NFT hay Non-Fungible Token được hiểu là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép hoặc làm giả.
Trong lĩnh vực kinh tế, “Fungible” dùng để chỉ các đơn vị tài sản riêng lẻ có thể thay thế cho nhau và khó lòng phân biệt được. Hiểu đơn giản, khi bạn có tờ 100 USD, sau đó người khác đổi với bạn bất kỳ tờ 100 USD khác, nó có giá trị tương đương và bạn khó lòng phân biệt được. Tương tự với các loại coin, người dùng chỉ quan tâm tới giá trị mà họ nhận được chứ không phải nhận được đồng nào. Đây là đặc điểm nổi bật của hầu hết các tài sản dùng như phương thức trao đổi.
“Non-Fungible” có nghĩa ngược lại với “Fungible” khi các tài sản khác biệt không thể thay thế cho nhau. Các tài sản số này sẽ được lưu trữ dưới dạng Blockchain và đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hoá kỹ thuật số nhất định. Blockchain có cơ chế bảo mật và an toàn cực cao, nhờ đó có thể đảm bảo rằng chỉ có duy nhất một chủ sở hữu tại một thời điểm nhất định.
Tính chất của NFT là Độc đáo (Unique) và Giới hạn (Limited). Hiện nay, các token NFT được tạo lập trên nền tảng của Blockchain Ethereum là chủ yếu.
Tại sao NFT lại có giá trị?
Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích một số ví dụ để làm rõ giá trị mà NFT mang lại. Các vật phẩm từ NFT là độc nhất vô nhị, nó có giá trị sưu tầm và từ đó mang lại lợi nhuận cho game thủ, các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư và game thủ – dựa vào sự hỗ trợ của nền tảng Blockchain – có thể bán các vật phẩm trong game để thu được khoản tiền lớn.
Ví dụ trong game công viên giải trí ảo Decentraland, một game thủ đã bán những lô đất của mình trong trò chơi, thu về khoản tiền 80.000 USD; hoặc một nhà đầu tư đã mua đường đua trong trò chơi trực tuyến F1 Delta Time dưới dạng NFT. Và người này sẽ nhận được 5% cổ tức từ các cuộc đua được tổ chức trên đoạn đường này và cả vé bán vào cửa.
Việc bán các tác phẩm dưới dạng NFT của các nghệ sĩ cũng được thực hiện mà không cần bên thứ ba; nhờ đó lợi nhuận của họ được giữ lại đáng kể. Ngoài ra, họ cũng được nhận tiền bản quyền khi tác phẩm được trao cho chủ sở hữu tiếp theo.
Làn sóng NFT liệu có kéo dài?
Thị trường NFT mặc dù chỉ vừa ra mắt chưa lâu và cách đây 3 năm thị trường này chỉ được định giá không quá 42 triệu USD. Cuối năm 2020, con số này đã lên tới 338 triệu USD. Hiện nay, chưa có con số chính xác nào có thể xác định được quy mô của thị trường này nhưng chắc chắn rằng nó đã tăng rất nhanh và được bán ra nhiều trong hai tháng đầu năm 2021.
Tính đến tháng 2/2021, gần 150.000 NFT được bán ra, tương đương với 310 triệu USD. Con số này cao gấp 5 lần so với lượng được bán ra vào năm 2020.
Giới đầu tư và tài chính toàn cầu nhận định rằng NFT là một hình thức kiếm tiền hoàn toàn mới trong thị trường crypto.
Với những ai quan tâm tới NFT, chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua phiên đấu giá kỷ lục bản phác thảo kỹ thuật số của Nghệ sĩ Beeple và bên mua được phát hiện chính là MetaKovan – người sở hữu quỹ NFT lớn nhất thế giới, cũng là chủ sở hữu lớn nhất các tác phẩm của Beeple. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn rằng các thương vụ NFT hiện nay có thực sự đang đại diện cho giá trị thực của thị trường này, hay chỉ là một chiêu thức quảng bá.
Một nhà bình luận tài chính và kinh tế – ông Francis Coppola – đưa ra nhận định rằng NFT thực chất chỉ là một cơn sốt nhằm thúc đẩy mong muốn làm giàu thuần túy trên thị trường crypto. Hay đó chỉ giống với những chỉ số bong bóng tài chính đã từng xảy ra.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng so sánh hiện tượng NFT với bong bóng tương tự xảy ra vào năm 2017, khi liên tiếp các đợt ICO phát hành tiền số lần đầu, thu về hàng tỷ USD đầu tư. Và bong bóng ICO này đã vỡ khi công chúng biết được sự thật rằng các loại đồng tiền kỹ thuật số này không khan hiếm như quảng cáo.
Và NFT cũng gặp phải một vấn đề tương tự. Về bản chất, chủ sở hữu hoàn toàn có thể chứng minh được rằng bức tranh của Beeple là thật; nhưng bất kỳ ai khác cũng có thể tạo ra một bức tranh kỹ thuật số NFT khác giống hệt hoặc sao chép từ Internet.
NFT có giá trị không được quy ước bởi bản thân tác phẩm đó, mà là ý tưởng rằng chứng chỉ kỹ thuật số về xuất xứ của nó mang những giá trị nhất định.
Cũng có nhận định rằng cơn sốt NFT sẽ tồn tại lâu hơn, vì tính mới lạ và sự cường điệu hoá xung quanh nó, và nó vẫn có những giá trị nhất định. Nhưng cần hiểu rõ rằng những thứ bạn giao dịch không phải là tác phẩm mà là sự tham gia thị trường. Việc mua bán một tài sản NFT giới hạn nào đó cũng mang những rủi ro lớn và ít thu được lợi nhuận hơn so với thị trường cổ phiếu chính thống.
Không thể phủ nhận rằng ở thời điểm này, thị trường NFT đang tăng giá và nó mang tính chất đầu cơ tốt; và sẽ sớm trải qua các biến động tương tự như các loại tiền điện tử như trong nhiều năm qua. Và Bitcoin là một ví dụ – khi chỉ một năm trước giá trị của nó còn không bằng ⅕ giá trị hiện tại ở con số khoảng 50.000 USD.
Tổng kết
NFT vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Và những tiềm năng mà nó mang lại cho nhà đầu tư là rất rõ ràng, kèm theo đó là những nguy cơ tiềm ẩn về sự biến động. Bởi NFT là một thị trường mới mẻ, luật chơi của NFT vẫn còn nhiều điểm đang hoàn thiện, cũng vì thế mà nhà đầu tư cần chú ý trong quá trình tiến hành giao dịch.
Cuối cùng thì, câu trả lời về NFT – làn sóng công nghệ mới hay chỉ là bong bóng tài chính, thuộc về mỗi nhà đầu tư và quan điểm đầu tư của riêng bạn. Kiến thức là hành trang mà buộc chúng ta phải trang bị để thành công, trên chiến trường crypto nói chung và NFT nói riêng. Fiahub chúc các bạn sẽ có những quyết định sáng suốt và thành công trên lĩnh vực tiềm năng này.
Freelancer Marketing và Content Creator với gần 10 năm kinh nghiệm; trong đó có khoảng hơn 3 năm làm việc trong mảng Blockchain với vai trò Dịch Thuật và Copywriter.
Với kiến thức sâu rộng cùng khả năng diễn giải để những thuật ngữ công nghệ khó hiểu trở nên gần gũi hơn với người đọc. Lê Hoàng đảm nhiệm những bài viết trong chuyên mục "Từ Điển Crypto" và "Hướng Dẫn Người Mới" tại Fiahub Blog