Ông lớn công nghệ Trung Quốc Tencent tiếp tục lấn sân sang thị trường Metaverse sau khi nộp bằng sáng chế cho các buổi hòa nhạc ảo, bất chấp cảnh báo từ các ngân hàng và cơ quan quản lý Trung Quốc.
Theo Qichacha, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế về buổi hòa nhạc ảo lên Cục Sở hữu trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA). Đơn đăng ký được đưa ra trong bối cảnh nhiều công ty lớn ở Trung Quốc đang chạy đua để bảo vệ nhãn hiệu Metaverse.
“Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã đưa ra lập trường mạnh mẽ chống lại các mã thông báo Metaverse và NFT vào tháng 11 năm ngoái, hiện có hơn 1.000 công ty Trung Quốc đã gửi hơn 16.000 đơn đăng ký nhãn hiệu Metaverse”, theo thông tin từ tờ báo Trung Quốc – The Paper.
Bất chấp những lời cảnh báo, gã khổng lồ trò chơi điện tử và công nghệ đa quốc gia của Trung Quốc là Tencent vẫn dẫn đầu xu hướng tham gia vào Metaverse ở nước này.
Theo South China Morning Post, các nguồn tin cho rằng Tencent đã gửi một lá thư nội bộ cho nhân viên của mình vào tháng 10 năm ngoái, liên quan đến việc thành lập một studio “F1” mới thuộc công ty con TiMi Studios, trong đó có sự tham gia của các nhân viên từ Trung Quốc, Mỹ, Canada và Singapore.
Vào ngày 31/12 năm ngoái, Tencent đã tổ chức buổi hòa nhạc ảo đầu tiên của Trung Quốc tại Metaverse, một lễ chúc mừng năm mới có tên là TMELAND đã chứng kiến hơn 1,1 triệu người hâm mộ tham gia trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
Tencent cũng mua lại công ty hòa nhạc hoạt hình Wave có trụ sở tại Los Angeles, công ty sử dụng công nghệ bắt chuyển động để tạo ra các buổi hòa nhạc thực tế ảo.
Các buổi hòa nhạc của Wave đã rất thành công trong quá khứ và ngày càng phổ biến trong thời kỳ đại dịch như một cách mới để các nhạc sĩ giao lưu với người hâm mộ.
Khi The Weeknd sử dụng dịch vụ của Wave để phát sóng một buổi hòa nhạc ảo trực tiếp trên TikTok vào tháng 8 năm ngoái, nó đã thu hút khoảng 2 triệu người xem trên toàn cầu và quyên góp được 350.000 USD cho Sáng kiến Công bằng Bình đẳng .
Vẫn còn phải xem liệu tham vọng của tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc có bị ảnh hưởng bởi các cơ quan quản lý địa phương hay không. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh an ninh tài chính quốc gia vào ngày 26/11.
Gou Wenjun, giám đốc đơn vị Chống rửa tiền (AML) tại PBoC, đã cảnh báo về những mối nguy hiểm liên quan đến các xu hướng mới của hệ sinh thái tiền điện tử như NFTs và Metaverse. Ông tuyên bố nếu không được kiểm soát, những tài sản này có thể dễ dàng được sử dụng cho các mục đích bất chính như rửa tiền và trốn thuế.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đã đưa ra cảnh báo về Metaverse vào ngày 9/12, nói rằng “quy định nên được khuyến khích trước khi đổi mới”.
Bất chấp những cảnh báo đáng ngại từ các phương tiện truyền thông quốc gia và các ngân hàng do nhà nước kiểm soát, chính quyền Trung Quốc vẫn không đưa ra bất kỳ sự rõ ràng nào về các quy định.
Trong khi thế giới đang ngày càng cởi mở hơn đối với tiền điện tử và các sản phẩm liên quan, Trung Quốc dường như vẫn cho thấy sự dè dặt và không nhất quán. Một mặt chính quyền đàn áp nặng tay đối với các loại tiền điện tử lớn như Bitcoin, Ethereum,… trong khi vẫn để nhiều công ty tư nhân tiếp cận và phát triển các sản phẩm NFT hay Metaverse.