Một thẩm phán tại Tòa án Nhân dân quận Songjiang ở Thượng Hải, Trung Quốc đã công bố một bài viết trên tài khoản WeChat của tòa án về tính hợp pháp của việc phát hành tiền điện tử tại Trung Quốc. Bà đã bình luận về một tranh chấp kinh doanh có từ năm 2017, nhưng ý kiến của bà đã làm sáng tỏ tình trạng pháp lý mơ hồ của tiền điện tử tại quốc gia tỷ dân này.
Nội dung bài viết
Tiền điện tử là hàng hóa ảo có thuộc tính tài sản
Cùng nhìn lại vụ tranh chấp kinh doanh tạo nên đề tài này:
Một công ty phát triển nông nghiệp đã ký “Thỏa thuận ươm mầm Blockchain” với một công ty quản lý đầu tư để lập báo cáo làm cơ sở cho việc phát hành tiền điện tử, họ đã trả 300.000 nhân dân tệ (khoảng 44.400 đô la vào thời điểm đó) cho dịch vụ này.
Một năm sau, không có token nào được tạo ra và công ty đầu tư cho biết công ty nông nghiệp nên phát triển một ứng dụng trước, sau đó mới phát hành token. Không đồng ý với đề xuất đó, công ty nông nghiệp đã kiện để thu hồi số tiền dịch vụ.
Tòa án phán quyết rằng thỏa thuận giữa hai công ty này có mục đích là hoạt động bất hợp pháp, cả hai bên đều có lỗi, và đưa ra phán quyết công ty đầu tư phải trả lại 250.000 nhân dân tệ.
Lấy dẫn chứng từ vụ tranh chấp kể trên, thẩm phán Sun Jie viết rằng tiền điện tử không có địa vị như tiền pháp định, mà là một loại hàng hóa ảo có “thuộc tính tài sản”. Bà tuyên bố:
Mặc dù việc cá nhân nắm giữ tiền điện tử không phải là bất hợp pháp, nhưng các tổ chức thương mại không thể tham gia vào các giao dịch đầu tư tiền điện tử hoặc thậm chí tự phát hành token.
Tiền điện tử bị cấm ở Trung Quốc như thế nào?
Sun Jie tiếp tục đưa ra một số lời cảnh báo về những tác hại tiềm ẩn của tiền điện tử:
“Các hoạt động đầu cơ giao dịch tiền điện tử như Bitcoin không chỉ phá vỡ trật tự kinh tế và tài chính mà còn có thể trở thành công cụ thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm, tạo điều kiện cho rửa tiền, gây quỹ bất hợp pháp, gian lận, mô hình ponzi kim tự tháp và các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm khác.”
Nếu đầu tư vào tiện điện tử “theo cách mù quáng”, các cá nhân và doanh nghiệp có thể không được pháp luật bảo vệ đầy đủ, thẩm phán kết luận.
Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo vào năm 2017. Năm 2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc đã hợp tác để thắt chặt kiểm soát các giao dịch bằng tiền điện tử. Tuy nhiên, quyền sở hữu tiền điện tử chưa bao giờ bị cấm tại quốc gia này.
Quang Ngo là một tech content creator với nền tảng về Data Science và AI. Bắt đầu tìm hiểu về công nghệ blockchain và tiền điện tử từ 2022, hiện Quang Ngo nghiên cứu về một số ứng dụng của blockchain trong mảng dữ liệu tài chính và mua sắm, đồng thời đảm nhận biên soạn các bài viết chia sẻ kiến thức về các kỹ thuật và công nghệ trong blockchain, cũng như cập nhật các thông tin HOT trên thị trường dưới góc nhìn của một người am hiểu về tiền điện tử và blockchain