Sau vụ hack thiệt hại lên đến 80 triệu USD, team của Bunny Finance và Qubit đã quyết định giải tán giao thức và hoạt động như một DAO.
Như trong bài viết trước mà Fiahub đã đưa tin, vào ngày 27/1/2022, dự án Qubit Finance đã chịu một cuộc tấn công mạng. Hacker đã lợi dụng lỗ hổng tồn tại trong cầu (bridge) giữa hai mạng Ethereum và Binance Smart Chain.
Sau vụ tấn công này, hacker đã “cuỗm” đi 77,162 qXETH (tương đương với khoảng 185 triệu USD dưới dạng tài sản thế chấp). Sau đó, họ sử dụng để vay và chuyển đổi thành 15,688 wETH (37.6 triệu USD), 767 BTC-B (28.5 triệu USD), khoảng 9,5 triệu USD bằng các loại stablecoin khác nhau và khoảng 5 triệu USD bằng token CAKE , BUNNY và MDX.
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là vụ hack có giá trị lớn thứ 2 sau vụ hack vào giải pháp cầu nối Wormhole của Solana khiến giao thức này mất đi hơn 320 triệu USD. Và có vẻ như thiệt hại này quá lớn dẫn đến đội ngũ phát triển của giao thức này đi đến quyết định giải tán mô hình hoạt động tập trung hiện tại và chuyển hoàn toàn sang hoạt động theo mô hình tổ chức tự trị phi tập trung (DAO). Tuyên bố này đã được đăng trên trang Medium của đội ngũ vào ngày 11/2/2022 vừa qua. Như vậy có nghĩa là không ai có quyền kiểm soát giao thức. Đổi lại, vai trò được phân đều cho các thành viên tham gia hiện nay.
Trong quá trình chuyển đổi mô hình sang DAO, một số nội dung chủ yếu sẽ chuyển đổi theo bao gồm:
- Đầu tiên họ sẽ đóng các vault trên Bunny và sẽ không có token gốc nào được tạo ra thêm nữa.
- Tiếp đến, họ cũng cho ngừng sử dụng hai vault khác có vai trò trong việc vay tài sản trên Qubit là Farming và Single Asset.
- Ngoài ra, nhóm phát triển cũng đã quyết định ngừng các cấu trúc phí chính, loại bỏ các khoản phí về unstaking và compounding.
- Nhóm cũng sẽ tung ra một thị trường mới trên Qubit đồng thời loại bỏ mô hình cũ đã bị tấn công.
Như là một biện pháp để bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư sau vụ hack, tất cả các token được phân phối cho team sẽ bị khóa trong một hợp đồng thông minh của chung cộng đồng. Lợi nhuận từ hợp đồng sẽ được sử dụng như một khoản bồi thường cho thiệt hại đã gặp phải trước đó. Lúc này, các thành viên hiện có của nhóm sẽ tham gia với tư cách là thành viên thông thường của DAO mà thôi.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, token QBT của Qubit gần như mất hết giá trị. Theo dữ liệu từ CoinGecko, giá QBT đã giảm 99,7% so với mức cao nhất được thiết lập vào ngày 05/09/2022 (0,581087 đô la Mỹ). Thậm chí, sau khi tin tức giải tán giao thức, chuyển đổi thành DAO đã khiến token QBT liên tục mất giá và chạm ngưỡng thấp nhất từ trước đến nay (0,00155717 đô la Mỹ).
Xét về góc độ giá, gần như token QBT đã không còn giá trị đến thời điểm hiện tại. Như vậy, có lẽ phần token của team trong smart contract chung của cộng đồng cũng không còn nhiều giá trị. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động thành DAO không loại trừ khả năng là một hành động thoái lui của đội ngũ phát triển. Liệu rằng đây có phải là một động thái từ bỏ hoàn toàn dự án, bỏ mặc các nhà đầu tư với khoản lỗ hiện tại? Nếu điều này thực sự xảy ra, không loại trừ khả năng chính đội ngũ của dự án đã cố tình gây nên vụ hack, chiếm dụng tiền của nhà đầu tư và bỏ mặc dự án sau khi “cuỗm” đi 80 triệu USD.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.