Dữ liệu được tổng hợp từ 20/9 – 26/9
Tuần qua, thị trường chứng kiến một đợt flash crash trầm trọng khi tin đồn liên quan đến Trung Quốc được lan tải trên khắp mạng xã hội. Tổng vốn hóa thị trường mất 5.51% giá trị chỉ trong một tiếng đồng hồ. Hãy cùng xem tổng thể tâm lý của thị trường tuần qua như thế nào nhé.
Nội dung bài viết
Bitcoin giảm 16.42%, Ethereum giảm 20.92%
Xu thế chung trong tuần, thị trường ngập tràn sắc đỏ. Thị trường bắt đầu tuần mới bằng một cây nến đỏ dài khiến BTC rơi tự do về vùng 42,000 USD, ETH lùi về dưới 3,000 USD.
Tiếp tục xu hướng giảm mạnh này của thị trường, mới đây (ngày 24/9), tin tức liên quan đến Trung Quốc lại khiến thị trường chao đảo thêm một lần nữa. Theo đó, một thông báo từ PBOC Trung Quốc về việc đàn áp một số hoạt động liên quan đến tiền điện tử tại quốc gia tỷ dân này được lan truyền một cách nhanh chóng trên môi trường mạng. Mặc dù nội dung của lệnh cấm này vẫn không có gì mới so với trước đây nhưng tính sát thương của nó cũng khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) tay non vội vàng bán tháo tài sản của mình.
Chỉ trong 3 tiếng ngắn ngủi, vốn hóa thị trường bốc hơi 9.11%. Trong đó, những tài sản như BTC giảm 8.68% về mức 40,600 USD trước khi bật tăng trở lại ở mức 41,189 USD. Tương tự, ETH cũng sụt giảm 10.76% trước khi quay trở lại mốc 2,800 USD. Thị trường thực sự hoảng loạn. Chúng ta hãy cùng xem sự hoảng loạn này đến từ các NĐT nào thông qua một vài chỉ số on-chain dưới đây nhé.
Bitcoin tiếp tục rời đi khỏi các sàn giao dịch
Theo số liệu thống kê từ CryptoQuant, chúng ta thấy có một vài điểm đáng chú ý như sau. Tại các thời điểm thị trường giảm giá như ngày 20/9 và 24/9, nếu xét trên biểu đồ nến giờ, chúng ta thấy có nhiều thời điểm lượng BTC được đưa nhiều lên sàn. Tuy nhiên, ngay sau đó lượng BTC này cũng được đưa ra khỏi sàn gần như ngay tức thì. Có vẻ như luôn có một thế lực nào đó sẵn sàng chờ sẵn để mua lại số BTC được bán đi này.
Điều này cũng xảy ra tương tự với Ethereum. Vào thời điểm ngày 24/9, ETH được đưa lên sàn ngày càng nhiều. Nhưng sau đó chỉ một vài tiếng, luôn có một động thái thu mua và chuyển ETH ra khỏi sản. Hãy xem hình dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Để xem liệu rằng đây có phải là động thái thu mua từ các cá voi hoặc người dùng sau đó chuyển ra khỏi sàn hay không, chúng ta sẽ cùng xem thêm một vài chỉ số liên quan đến stablecoin trong tuần qua xem như thế nào nhé.
Lượng stablecoin trên các sàn có xu hướng gia tăng
Stablecoin hiện tại là đồng tiền trung gian trong việc mua/bán các loại tiền điện tử hiện nay. Và theo thông lệ thông thường, lượng stablecoin tăng lên có thể xem như lực mua chờ sẵn từ phía các NĐT hiện nay.
Hình trên đây cho ta thấy có một sự gia tăng đột biến về lượng stablecoin trên các sàn giao dịch. Theo thống kê từ CryptoQuant, bắt đầu từ ngày 20/9 chúng ta có khoảng 18 tỷ USD stablecoin trên các sàn giao dịch. Sau đó một tuần, tính đến ngày 25/9, con số này đã lên đến 19.5 tỷ USD. Có vẻ như sức mua vẫn luôn còn hiện hữu và mức giá hiện tại dường như vẫn đang khá hấp dẫn so với các NĐT hiện nay.
Hình trên cho chúng ta thấy số lượng giao dịch nạp stablecoin vào địa chỉ ví của các sàn giao dịch. Tại các thời điểm quan trọng như ngày 20/9 và 24/9, lượng stablecoin nạp vào ví các sàn giao dịch luôn có sự vượt trội hơn hẳn so với các thời điểm khác. Điều này phần nào có thể giải thích lý do tại sao giá cả nhanh chóng phục hồi mỗi khi thị trường đột ngột điều chỉnh như vậy.
Cũng theo thống kê từ glassnode, chỉ số SSR hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Hiểu đơn giản là khi chỉ số SSR dao động ở mức thấp, nguồn cung cấp stablecoin hiện tại có nhiều sức mua hơn để mua BTC.
HODL Waves hiện đang ở mức cao nhất
Xét đến chỉ số HODL Waves trên glassnode cũng cho chúng ta thấy một tín hiệu lạc quan. Có vẻ như phần lớn các hành động bán tháo vừa rồi đều chủ yếu đến từ các NĐT đã và đang nắm giữ BTC với thời gian ít hơn 3 tháng. Phần lớn họ đều là các NĐT mới và chưa quen với những sóng gió trong thị trường này.
- Theo đó, 85% nguồn cung Bitcoin đang lưu hành đã không thay đổi địa chỉ trong 3 tháng qua. Mức này hiện là mức cao nhất mọi thời đại tương đương với thời điểm vào năm 2015. Chỉ có khoảng 15% nguồn cung thường xuyên thay đổi địa chỉ trong thời gian dưới 3 tháng.
- 22.76% nguồn cung Bitcoin đang lưu hành đã không thay đổi địa chỉ trong 5 năm qua.
Lời kết
Có vẻ như các kịch bản hoặc các tin tức xấu xuất hiện trên thị trường dường như cũng không có nhiều tác động đối với các NĐT dài hạn. Đổi lại, chúng ta thậm chí còn thấy dấu hiệu thu mua nhiều hơn trong thời điểm thị trường biến động, giá cả xuống mức thấp như vừa rồi.
Hi vọng bài viết đã mang đến cho độc giả những chỉ số thể hiện tâm lý của thị trường trong thời gian vừa qua. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu như bạn thấy hay và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo tại Fiahub nhé.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.