PancakeSwap là một dự án về sàn giao dịch phi tập trung (DEX) được phát triển trên mạng lưới Binance Smart Chain (BSC). Tại thời điểm mình viết bài này, theo dữ liệu thống kê từ DefiLlama, đây là sàn DEX có TVL lớn nhất với khoảng 5.6 tỷ USD tài sản của các nhà đầu tư bị khóa trên nền tảng này. Hãy cùng Fiahub tìm hiểu xem PancakeSwap có gì nổi bật nhé.
Nội dung bài viết
Thông tin tổng quan về PancakeSwap
1. PancakeSwap là gì?
Nhắc đến sàn DEX, có lẽ mọi thứ đã không còn quá xa lạ với hầu hết tất cả chúng ta. Hiểu đơn giản thì đây là một dạng sàn giao dịch tiền điện tử theo hình thức phi tập trung. Nó có nghĩa là người dùng sẽ tự quản lý tài sản của chính mình thay vì gửi và lưu trữ chúng trên các sàn giao dịch (CEX) như trước đây. Các sàn DEX được xem như là cổng chuyển đổi giúp kết nối đến với thế giới DeFi trên mỗi giao thức. PancakeSwap cũng là một trong những dạng sàn DEX như vậy.
Theo số liệu từ DefiLlama, tổng giá trị tài sản bị khóa trên giao thức này hiện ở mức 8.02 tỷ USD. Trong đó, khối lượng mang đi staking chiếm 2.4 tỷ USD, TVL bị khóa trên BSC vào khoảng 5.6 tỷ USD. Về cơ bản thì PancakeSwap có cách hoạt động tương tự với giao thức Uniswap trên mạng Ethereum. Điểm khác biệt là nó đưa ra thêm một số tính năng mới mà chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở phần sau nhé.
2. 3 thành phần của PancakeSwap
Có 3 thành phần chính tham gia vào quá trình vận hành của giao thức PancakeSwap. Cụ thể:
- Những người giao dịch: Bao gồm những người sử dụng giao thức PancakeSwap. Mục đích của họ có thể là hoán đổi (swap) lấy một loại token khác. Hoặc trong một số trường hợp là tham gia các tính năng như xổ số,… trên nền tảng này.
- Những người cung cấp thanh khoản (Liquidity provider – LP): Để việc swap token thành công, giao thức sẽ cần đến các pool thanh khoản tương ứng. Ví dụ, nếu bạn muốn swap từ BNB sang USDT thì sẽ cần đến pool chứa cả hai đồng coin này. Để pool này hoạt động, giao thức sẽ cần đến những người cung cấp BNB và USDT cho pool đó. Hành động này được gọi là cung cấp thanh khoản. Và những người này được gọi là nhà cung cấp thanh khoản hay Liquidity provider. Những người này sẽ nhận được phần thưởng khi họ cung cấp thanh khoản cho giao thức. Hình thức này giống như việc bạn gửi tiền vào ngân hàng và nhận về lợi nhuận dựa trên số tiền bạn gửi vậy. Khác biệt ở chỗ trong trường hợp này bạn sẽ cần cả hai loại tiền để tạo được thanh khoản cho cặp giao dịch đó.
- PancakeSwap: Nó đóng vai trò trung gian hỗ trợ người giao dịch thực hiện giao dịch của họ. Đối với giao dịch swap, giao thức sẽ thu một phần phí trên các giao dịch của người dùng. Sau đó, họ sẽ chia lại cho các LP dựa trên tỷ lệ đóng góp của họ vào giao thức.
3. Một số tính năng trên PancakeSwap
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể chia giao thức PancakeSwap v2 với 4 nhóm sản phẩm chính. Mỗi nhóm sản phẩm này sẽ bao gồm các tính năng cụ thể mà người dùng có thể sử dụng. Cụ thể như sau:
Nhóm sản phẩm Trade:
- Exchange: Đây chính là sàn DEX mà Fiahub đã nói tới ở trên. Bạn có thể sử dụng nó để swap từ một token A sang một token B mà không cần phải tạo một tài khoản giao dịch trên sàn để mua/bán đồng token đó. Khi bạn chủ động kiểm soát tài sản của mình điều đó sẽ giúp hạn chế các vấn nạn về hack có thể xảy ra.
- Liquidity: Đây là công cụ cung cấp thanh khoản cho các pool thanh khoản kể trên. Hiểu một cách đơn giản là tùy từng pool giao dịch người dùng sẽ đóng góp những token tương ứng mà họ có. Sau đó, họ sẽ nhận được phần thưởng mỗi khi có người dùng khác thực hiện giao dịch trên pool đó. Hãy xem ví dụ về cặp token BNB-USDT mà chúng tôi đã lấy ví dụ ở trên. Để việc swap được thành công từ BNB sang USDT chẳng hạn thì chúng ta sẽ cần các pool chưa hai loại token này.
Nhóm sản phẩm Earn:
- Farms: Đây là nơi để người dùng có thể stake LP token để kiếm phần thưởng. Vậy LP token là gì? Đây là một loại token mà người dùng sẽ nhận được khi stake hai loại token tương ứng với farm đó. Ví dụ bạn stake BNB và USDT vào pool thì bạn sẽ nhận được một LP token là BNB-USDT-LP. Tùy vào từng farm mà người dùng sẽ nhận được lãi suất hàng năm (APR) khác nhau. Một số farm tỷ lệ này có thể lên đến cả ngàn phần trăm lợi nhuận.
- Pool: Đây là nơi để người dùng có thể stake CAKE (đồng coin gốc của PancakeSwap) để nhận về các loại token khác. Ví dụ, bạn stake CAKE của mình vào pool A thì bạn sẽ được trả thưởng bằng token thưởng của pool A đó. Đương nhiên, tùy vào biến động giá của từng loại token này mà tỷ lệ APR/APY có thể lên đến cả ngàn phần trăm như hình thức Farm kể trên.
Nhóm sản phẩm Win:
- Prediction: Người dùng sẽ tham gia dự đoán giá tăng hay giảm của cặp BNB/USDT. Nếu dự đoán đúng, người dùng sẽ được thưởng để nhận thưởng
- Lottery: Đây là một dạng chơi xổ số. Người dùng sẽ bỏ tiền để mua vé (ticket) và nhận được 4 số ngẫu nhiên. Mỗi vòng sẽ kéo dài trong 6 tiếng. Tùy vào việc trùng lặp số lượng các con số trên vé số mà người dùng sẽ được thưởng tương ứng.
Nhóm sản phẩm NFT:
- NFT market: Là nơi để mua/bán các món đồ sưu tập trên mạng Binance Smart Chain.
Token CAKE của PancakeSwap
CAKE là token gốc của giao thức PancakeSwap. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về token CAKE.
1. Thông tin chung:
- Ký hiệu: CAKE.
- Hợp đồng: 0x0e09fabb73bd3ade0a17ecc321fd13a19e81ce82.
- Mạng lưới: Binance Smart Chain (BEP-20).
2. Cơ chế phân bổ token CAKE (token allocation)
Theo dữ liệu từ PancakeSwap, ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày sẽ có khoảng 364,400 CAKE được tạo ra. Con số này sẽ thay đổi tùy từng thời điểm khác nhau. Số lượng CAKE tạo ra này sẽ được phân bổ đến 3 nơi là pool, farm và cho lottery. Với 364,400 CAKE hàng ngày này sẽ được phân bổ như sau:
- Pool: Khoảng 288,000 CAKE.
- Farm: Khoảng 72,400 CAKE.
- Lottery: Khoảng 4,000 CAKE.
3. Ví lưu trữ và sàn giao dịch token CAKE
- Ví lưu trữ: CAKE là một token trên mạng BSC. Do đó chúng ta có thể sử dụng các ví hỗ trợ chuẩn BEP-20 để lưu trữ CAKE. Một trong số đó bao gồm các ví nóng là ví tại các sàn giao dịch như Binance, Huobi… Hay các ví di động như Trust Wallet… Hoặc một số loại ví lạnh như Ledger hay Tresor…
- Sàn giao dịch: Hiện nay, người dùng có thể mua và sở hữu CAKE thông qua một số sàn CEX như Binance, Gate.io…
4. Pancake token (CAKE) được dùng để làm gì?
Dưới đây là một số trường hợp sử dụng thực tế của CAKE token:
- Dùng CAKE để thực hiện các giao dịch swap hoặc tham gia một số hoạt động khác trên giao thức staking, farming, cung cấp thanh khoản hay chơi xổ số hoặc Prediction trên PancakeSwap
- Dùng để trả phí giao dịch.
Có nên đầu tư vào token CAKE hay dự án PancakeSwap?
Về dự án PancakeSwap, như mình đã nói ở trên, mỗi sàn DEX sẽ là cầu nối giúp phát triển DeFi trên từng mạng lưới. Hiện tại PancakeSwap đang làm rất tốt điều này khi nó dẫn đầu trong các sàn DEX trên BSC. Từ tháng 4/2021 đến nay, TVL của PancakeSwap đã tăng khoảng 10 lần. Đương nhiên, điều này có được nhờ việc nó ra đời đúng thời điểm bùng nổ của DeFi. Lợi thế của người dẫn đầu sẽ giúp PancakeSwap chiếm được phần lớn thị phần.
Tuy nhiên, so với một số giao thức khác thì thị phần của PancakeSwap vẫn còn khá nhỏ bé. Con số này ở Curve khoảng 25 tỷ USD hay như Uniswap cũng khoảng 9 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc PancakeSwap vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Với lợi thế từ mạng lưới BSC, hy vọng PancakeSwap sẽ thu hút được nhiều người dùng hơn với các tính năng hữu ích của mình.
Về token CAKE, tại thời điểm viết bài nó đang được giao dịch ở mức 12.21 USD. Mức này đã tăng trưởng hơn 6,000% so với thời điểm tháng 11/2020. Tuy nhiên, mức giá này lại thấp hơn rất nhiều (khoảng 72%) so với mức đỉnh nó thiết lập 8 tháng trước đây. Sự gia tăng của các giải pháp tương tự như BakerySwap có lẽ phần nào cũng khiến thị phần của nó bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhằm giảm tỷ lệ lạm phát của đồng CAKE, dự án này cũng đưa ra cơ chế đốt như như đốt 10% CAKE dùng để mua vé số,… Điều này phần nào khiến ổn định nguồn cung và gián tiếp nâng giá trị CAKE trên thị trường hiện nay.
Hy vọng bài viết này đã mang đến cho độc giả của Fiahub những kiến thức cần thiết về dự án PancakeSwap và token CAKE. Đừng quên chia sẻ bài viết này nếu như bạn thấy hay và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.