Một vụ bắt cóc chấn động đã xảy ra tại Chicago khi sáu người đàn ông có vũ trang đột nhập vào nhà một gia đình ba người cùng bảo mẫu, khống chế họ trong suốt năm ngày và yêu cầu khoản tiền chuộc lên tới 15 triệu USD bằng tiền điện tử.
Theo báo cáo từ Chicago Tribune ngày 12/2, vụ việc bắt đầu khi nhóm bắt cóc gõ cửa nhà nạn nhân, giả vờ rằng họ vô tình làm hỏng cửa gara. Khi cửa mở, nhóm này lập tức xông vào với súng trong tay, ép cả gia đình lên một chiếc xe tải.
Nạn nhân bị đưa đến một căn hộ được thuê trên Airbnb cách đó khoảng một giờ và bị giam giữ qua đêm, trước khi bị chuyển đến một ngôi nhà khác vào ngày hôm sau.
Nhóm bắt cóc đe dọa sẽ giết con tin nếu gia đình không chuyển số tiền chuộc theo yêu cầu. Trong thời gian bị giam giữ, một trong những nạn nhân đã lợi dụng sơ hở để liên lạc với cha mình qua ứng dụng WeChat và báo rằng họ bị bắt cóc.
Ngày 1/11, các nạn nhân được thả tự do, họ đi bộ đến một tiệm giặt khô gần đó trước khi bắt Uber đến bệnh viện địa phương.
Các nạn nhân cho biết họ đã chuyển đủ 15 triệu USD tiền điện tử, nhưng đến nay, giới chức Mỹ mới chỉ thống kê được khoảng 6 triệu USD.
Sau quá trình điều tra, sáu nghi phạm bị truy tố vào ngày 13/12. Trong số đó, Zehuan Wei (34 tuổi) bị bắt khi cố gắng trở lại Mỹ từ Mexico vào ngày 17/1. Năm nghi phạm còn lại gồm Fan Zhang, Huajing Yan, Shengnan Jiang, Shiqiang Lian và Ye Cao, một vài người trong số đó đã bỏ trốn sang Trung Quốc sau vụ bắt giữ của Wei.

Trước khi buộc tội, các quan chức Hoa Kỳ đã thu thập bằng chứng, bao gồm việc truy cập cảnh quay giám sát từ Airbnb và kiểm tra ví tiền điện tử cùng các vật dụng, ADN bên trong những phương tiện di chuyển của nhóm này.
Ít nhất hai nạn nhân đã xác nhận danh tính một số kẻ bắt cóc thông qua hình ảnh từ cơ quan điều tra.
Vụ việc một lần nữa dấy lên lo ngại về việc tiền điện tử đang ngày càng bị lợi dụng cho các hoạt động phạm tội. Với tính chất ẩn danh, phi tập trung và khó truy vết, tiền điện tử thường được sử dụng trong các hoạt động tống tiền, rửa tiền và giao dịch phi pháp.
Mặc dù blockchain giúp ghi lại mọi giao dịch công khai, nhưng tội phạm mạng vẫn có nhiều cách để che giấu dấu vết, chẳng hạn như sử dụng dịch vụ trộn (mixer), ví ẩn danh hoặc chuyển đổi qua nhiều loại tài sản số khác nhau. Chính vì vậy, giới chức Mỹ và nhiều quốc gia đang đẩy mạnh các biện pháp siết chặt quản lý tiền điện tử, nhằm ngăn chặn tội phạm lợi dụng công nghệ này để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Quang Ngo là một tech content creator với nền tảng về Data Science và AI. Bắt đầu tìm hiểu về công nghệ blockchain và tiền điện tử từ 2022, hiện Quang Ngo nghiên cứu về một số ứng dụng của blockchain trong mảng dữ liệu tài chính và mua sắm, đồng thời đảm nhận biên soạn các bài viết chia sẻ kiến thức về các kỹ thuật và công nghệ trong blockchain, cũng như cập nhật các thông tin HOT trên thị trường dưới góc nhìn của một người am hiểu về tiền điện tử và blockchain