Ngân hàng lớn nhất của Hàn Quốc, KB Kookmin Bank, đang tìm cách cung cấp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ quyền tiếp cận các quỹ ETF nhằm vào tiền điện tử.
Nội dung bài viết
Đai gia ngân hàng Hàn Quốc tham gia vào tiền điện tử
Ngân hàng KB Kookmin Bank của Hàn Quốc đã thông báo vào ngày 21/2 rằng họ đã thành lập Ủy ban trù bị quản lý tài sản kỹ thuật số để xem xét việc tạo ETF tiền điện tử cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ủy ban sẽ hoạt động dưới sự quản lý của KB Asset Management’s Index Quant Management Division của ngân hàng. Theo người đứng đầu KB Asset Management’s Index Quant Management Division, họ cũng đặt mục tiêu khởi động một quỹ đầu tư tài sản kỹ thuật số.
Ban đầu Ủy ban sẽ tiến hành nghiên cứu cả thị trường tài sản kỹ thuật số trong nước và nước ngoài. Nó cũng sẽ hoạt động dựa trên việc phát triển một chiến lược đầu tư dựa trên AI để ra mắt sản phẩm tài sản kỹ thuật số. KB Kookmin Bank dự định tung ra các sản phẩm mới càng sớm càng tốt, xem xét tốc độ áp dụng trên toàn thế giới, nhưng phải đảm bảo các sản phẩm của mình tuân thủ các quy định có liên quan.
KB Kookmin Bank nằm trong số bốn ngân hàng lớn nhất (Big4) được xếp hạng theo giá trị tài sản tại Hàn Quốc vào cuối tháng 3/2014. Đây là ngân hàng lớn nhất trong số các ngân hàng ở Hàn Quốc và lớn thứ 60 trên thế giới vào năm 2017. Theo Statista, tổng tài sản KB Kookmin Bank nắm giữ tính đến 2020 là 438.44 nghìn tỷ Won (khoảng 367 tỷ USD).
Cuộc chơi đã lan sang châu Á
KB Kookmin Bank cho biết trong tuyên bố của mình rằng các đối thủ toàn cầu của họ đã lao vào thị trường tài sản ảo và họ có ý định làm theo. Như vậy, nếu như KB Kookmin Bank cho ra mắt sản phẩm chính thức thì đây sẽ là tổ chức tài chính châu Á thứ hai trong vòng nhiều tuần qua thông báo về một động thái như vậy. Tuần trước, ngân hàng DBS của Singapore cho biết họ dự định cung cấp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ khả năng giao dịch tài sản kỹ thuật số vào cuối năm 2022 (DBS bank có tổng tài sản hiện tại khoảng 501 tỷ USD).
Có thể ví DBS đã là người đi tiên phong trên thị trường tài chính châu Á khi áp dụng tài sản kỹ thuật số. Ngân hàng đã ra mắt một dịch vụ thí điểm vào năm 2021 để cho phép các tổ chức tín dụng giao dịch tiền điện tử. Sự tham gia của cả DBS và KB ngoài việc cho thấy tiềm năng của thị trường tiền điện tử, điều quan trọng nhất là chúng ta đang dần chứng kiến sự tham gia của các tổ chức truyền thống, đặc biệt là ngân hàng. Với tốc độ phát triển như hiện tại, việc không tham gia vào lĩnh vực này có lẽ sẽ là một tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh khác.
Nói là vậy nhưng trên thực tế, thị trường châu Á đang tụt hậu so với các thị trường phương Tây. Không khó để chúng ta có thể tìm thấy các ông lớn trong ngành ngân hàng tại Wallstreet đã bắt đầu cung cấp cho những khách hàng giàu có nhất của họ khả năng đầu tư vào tiền điện tử. Chưa kể đến việc một số nhà quản lý tài sản lớn nhất trên thế giới đang cung cấp cho khách hàng của họ tùy chọn đầu tư vào quỹ tài sản kỹ thuật số.
Một số cái tên gạo cội trong lĩnh vực này như Grayscale hiện có hơn 43 tỷ USD tài sản kỹ thuật số đang được quản lý (AUM). Fidelity Asset Management gần đây đã ra mắt ETF Bitcoin và quỹ tương hỗ ở Canada. Amundi có trụ sở tại Pháp, là nhà quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, gần đây đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư vào NFT. Hay mới đây, gã khổng lồ trong lĩnh vực kiểm toán KPMG Canada cũng đã đầu tư vào tài sản tiền điện tử,…
Có thể thấy, hiệu ứng domino dường như đang lan rộng ra toàn cầu. Bản thân tiền điện tử, thay vì trở thành một thứ tài sản vô hại giờ đã trở thành một lợi thế cạnh tranh đối với các tổ chức truyền thống. Sự cuồng nộ của người dân và các nhà đầu tư đã khiến cho các ngân hàng phải thay đổi góc nhìn của mình về loại tài sản này. Họ có thể tham gia đầu tư một cách gián tiếp hoặc trực tiếp vào lĩnh vực này giống như cách mà Warrent Buffet đã chi 1 tỷ USD vào Nubank chẳng hạn. Trong thời gian tới đây, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới tham gia vào lĩnh vực này.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.