DeFi đang là một trong những từ khoá hot trong thế giới tiền điện tử thời gian gần đây. Điều này được chứng minh bằng việc số tiền đổ vào DeFi ngày càng nhiều. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu DeFi và các ứng dụng của nó nhé.
Nội dung bài viết
Hiểu đúng về DeFi
DeFi là viết tắt của Decentralized Finance hay còn gọi là tài chính phi tập trung. Hiểu đơn giản thì đây là một hệ sinh thái bao gồm rất nhiều các ứng dụng về tài chính và nó lấy nền tảng blockchain làm gốc.
Như vậy chúng ta có thể hiểu DeFi là một sự kết hợp giữa tài chính truyền thống chúng ta vẫn đang sử dụng hiện tại và công nghệ blockchain. Công nghệ blockchain chính là điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt ở đây.
Vì lẽ đó nên để hiểu hơn về DeFi chúng ta sẽ cùng xem lại mô hình tài chính truyền thống hiện nay đang vận hành như thế nào nhé.
Mô hình tài chính truyền thống (CeFi)
Định nghĩa
Tài chính truyền thống hay tài chính tập trung (Centralized Finance – CeFi) là một mô hình mà tất cả các thành phần vận hành bên trong nó đều được quản lý tập trung bởi một tổ chức hoặc Chính phủ nào đó.
Một mô hình tài chính tập trung thông thường sẽ gồm có bốn thành phần chính. Cụ thể như sau:
- Chính phủ: Đây là cấp cao nhất kiểm soát mọi hoạt động vấn để của một nền tài chính trong một quốc gia. Nói cách khác đây chính là thành phần tạo ra luật chơi và chịu trách nhiệm bảo hộ cũng như đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các thành phần vận hành bên trong mô hình đó.
- Các tổ chức tài chính: Ở đây thường là các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hiện nay. Mục đích của họ là đơn vị trung gian cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đối với người dùng.
- Các tài sản, sản phẩm, dịch vụ tài chính: Ở đây có thể hiểu là các khoản vay, các khoản tiền gửi hay các sản phẩm tài chính phái sinh được cung cấp bởi các tổ chức tài chính ở trên.
- Người dùng: Là những cá nhân như mình hoặc bạn hoặc lớn hơn là các tổ chức trong một mô hình tài chính tập trung. Những người này sẽ trực tiếp sử dụng các tài sản, sản phẩm hay dich vụ tài chính được cung cấp bởi các tổ chức tài chính ở trên.
Hạn chế
Thế giới hiện tại vẫn đang vận hành theo mô hình tài chính tập trung như thế này. Bản thân các sản phẩm tài chính được phát hành theo quy định của nhà nước, Chính phủ. Và đương nhiên khi đi theo mô hình đó, tất cả sản phẩm đó đều được công nhận là hợp pháp và được Chính phủ bảo vệ.
Bản thân nó vẫn tốt, tuy nhiên từ khi blockchain ra đời chúng ta cũng nhận thấy nó tồn tại một số điểm hạn chế như sau:
- Tập trung hoá
- Quyền lực được tập trung vào một chỗ do đó bất kể hành động gì đều cần phải xin cấp phép và được Chính phủ quản lý. Điều này dẫn đến việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính sẽ gặp nhiều hạn chế. Đơn giản như ở Việt Nam, bất kỳ một hoạt động tài chính nào xuất hiện đều phải xin cấp phép từ Chính phủ mới được phép hoạt động.
- Thời gian gần đây chắc mọi người cũng nghe nhiều đến khái niệm P2P Lending đang diễn ra tại Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai, đơn vị nào cũng có thể thực hiện ngoại trừ ngân hàng. Bản thân ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng chỉ mới đang thí điểm thử nghiệm Sandbox trong một phạm vi nhỏ. Sau đó dựa vào kết quả mới tiến hành đánh giá và cấp phép đại trà. Vô hình thì điều này đôi khi lại đánh mất cơ hội kinh doanh cho lĩnh vực này.
- Tín nhiệm hoá
- Nếu các bạn đã từng sử dụng các sản phẩm cho vay tại ngân hàng thì sẽ hiểu rõ điều này. Không dễ gì để bạn có thể tiếp cận một khoản vay tại bất kỳ một ngân hàng nào. Hàng loạt thủ tục như chứng minh thu nhập, chứng minh nhân thân, kiểm tra trên CIC về xem có bị liệt vào “blacklist” đen của các tổ chức tài chính hay không.
- Mặc dù làm nghiêm ngặt đến như vậy nhưng với nhiều ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu hàng năm vẫn ở mức cao. Và thậm chí nhiều trong số đó là nợ xấu khó đòi. Vậy nên ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng đang cần một công cụ để giúp họ giải quyết tình trạng này.
- Minh bạch
- Với tài chính tập trung bản thân chúng ta sẽ không thể kiểm soát được dòng tiền. Ví dụ chúng ta gửi một khoản tiết kiệm vào ngân hàng nhưng việc ngân hàng dùng khoản tiền đấy để làm gì thì không ai biết cả.
- Tài sản của bạn sẽ được uỷ thác hoàn toàn cho các ngân hàng mà bạn tin tưởng. Mặc dù là được bảo hộ bởi Chính phủ nhưng tài sản uỷ thác đấy vẫn có nguy cơ rủi ro. Một số ví dụ điển hình về việc giả mạo và chiếm đoạt tài sản của người gửi tiền tại các ngân hàng vẫn là những vấn đề đáng được quan tâm.
Những hạn chế mà mình liệt kê ở trên đây đều không đại diện cho tất cả. Tuy nhiên nó cũng là những vấn đề mà nền tài chính tập trung cần phải giải quyết. May mắn thay blockchain ra đời và những ứng dụng của nó lại có thể giải quyết được các điểm hạn chế trên. Đó chính là một mô hình tài chính phi tập trung hay gọi tắt là DeFi.
Mô hình tài chính DeFi
Như vậy không cần phải nói nhiều thì đến đây chúng ta đều hiểu DeFi là một dạng mô hình tài chính phi tập trung. Bản chất nó vẫn là những mô hình tài chính thông thường như chúng ta vẫn thấy. Chỉ khác là nó được vận hành và ứng dụng công nghệ blockchain để khắc phục các hạn chế của mô hình CeFi mà thôi.
Nếu như CeFi gồm bốn thành phần như mình có liệt kê ở trên thì lúc này DeFi sẽ có sự thay đổi đôi chút. Cụ thể:
- Chính phủ & các tổ chức tài chính: Trong DeFi lúc này không còn tồn tại vai trò của Chính phủ và các tổ chức tài chính nữa. Lúc này blockchain sẽ thay thế điều đó.
- Các sản phẩm, dịch vụ tài chính: Lúc này sẽ được thay thế bằng các đồng coin, token và được giao dịch, sử dụng trên thị trường tài chính phi tập trung.
- Người dùng: Về cơ bản vẫn là mình và bạn hay các tổ chức doanh nghiệp khác hiện nay.
- Smart contract: Đây là một thành phần mới xuất hiện trong mô hình tài chính phi tập trung. Lúc này không có sự kiểm soát của bên thứ ba như ngân hàng hay Chính phủ thì smart contract chính là thứ giúp duy trì luật chơi được tạo ra trong thị trường DeFi.
Ưu, nhược điểm của mô hình DeFi
Mặc dù có vẻ như DeFi đang là xu hướng của tương lai nhưng xét về góc nhìn toàn diện thì bản thân mô hình này cũng có những ưu và nhược điểm riêng của nó. Cụ thể
Ưu điểm
- Tính không cần sự cho phép: Blockchain là công nghệ đằng sau của mô hình này. Thế nên nó loại bỏ được yếu tố là các tổ chức trung gian như ngân hàng hay Chính phủ. Lúc này bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được với các sản phẩm dịch vụ về tài chính mà không cần phải được sự cho phép và quản lý bởi Chính phủ.
- Tính phi tín nhiệm: Ở DeFi việc tín nhiệm hoàn toàn là điều không cần thiết. Luật chơi được đưa ra và các bên phải tuân theo luật chơi đó. Và lúc này smart contract chính là trọng tài giúp duy trì luật chơi đó và đảm bảo quyền lợi của các bên. Mà đã là smart contract thì gần như không có gì có thể thay đổi hoặc tác động vào được rồi.
- Tính minh bạch: Với DeFi mọi thông tin bạn có thể theo dõi và quản lý trên một sổ cái chung toàn cầu. Và đương nhiên bất kỳ ai cũng có thể truy cập và xem được những thông tin này.
Nhược điểm
- Hợp pháp: Bản thân DeFi hay thậm chí là công nghệ blockchain vẫn còn đang là một dấu hỏi lớn hiện nay. Thực ra mình nghĩ cái chúng ta đang tiếp cận mới chỉ là giai đoạn đầu của blockchain mà thôi. Còn thực tế nó như thế nào thì có lẽ còn phải cần thêm nhiều thời gian để kiểm chứng. Cũng chính vì nó quá mới như vậy nên ở đại đa số các nước, blockchain và các sản phẩm của nó đều chưa được công nhận là hợp pháp. Điều này nghĩa là nếu như có tranh chấp xảy ra chắc chắn sẽ không có Chính phủ nào đứng ra giải quyết hay bảo lãnh cho chuyện đó cả.
- Tính ứng dụng: Cứ cho như là blockchain là một giải pháp hiệu quả đi. Nhưng để phổ cập và khiến nó trở nên rộng rãi như tài chính truyền thống hiện nay thì chắc sẽ còn phải mất kha khá thời gian. Nhất là với những nước công nghệ còn chưa thực sự phát triển toàn diện như Việt Nam hiện nay.
Một số ứng dụng thường thấy của DeFi trong cuộc sống
Như mình có chia sẻ, bản chất DeFi cũng giống như việc chúng ta “bê nguyên” các sản phẩm tài chính truyền thống và đặt nó trên blockchain mà thôi. Thế nên dễ thấy một số ứng dụng sau đây:
Một số dạng sản phẩm DeFi tiêu biểu.
Vay và cho vay (Lending)
P2P Lending có lẽ là thứ đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến. Quay lại thực tại hiện nay để hai người có thể cho nhau vay tiền thì chắc chắn họ phải có sự quen biết hoặc phải thông qua ngân hàng. Chẳng ai dại mà cho người lạ vay tiền cả.
Nhưng với DeFi thì khác. Bạn có thể cho một cá nhân bạn chưa từng quen biết ở tận châu lục nào đó vay tiền mà không sợ rủi ro bị bùng nợ. Smart contract và DeFi sẽ giúp bạn làm được điều đó.
Sàn giao dịch phi tập trung
Chắc hẳn moi người ở đây đều đã nghe nói đến sàn Binance rồi đúng không? Binance được biết đến như là một sàn giao dịch tập trung (CEX) lớn nhất thế giới hiện nay. Với một sàn CEX bản thân tài sản của người dùng đều do sàn nắm giữ và đương nhiên nó cũng chẳng khác gì mấy việc bạn gửi tiền vào ngân hàng cả.
Như sàn giao dịch phi tập trung (DEX) thì lại khác. Lúc này bản thân sàn đúng nghĩa chỉ là đơn vị trung gian giúp thực hiện giao dịch đó mà thôi. Sàn sẽ không giữ bất cứ tiền của cá nhân nào cả. Hai cá nhân khác nhau sẽ giao dịch thông qua ví điện tử của chính mình.
Stablecoin
Bản thân chúng ta chắc cũng không còn xa lạ gì với các dạng stablecoin nữa rồi. Bản thân các đồng này đều được neo giá vào một đồng tiền hiện tại như USD chẳng hạn. Nó gần như là đồng tiền thanh toán chúng trong thế giới DeFi hiện nay.
Payment và các sản phẩm phái sinh
Cũng giống như tài chính tập trung, các sản phẩm liên quan đến thanh toán cũng được hình thành và hỗ trợ cho nền tài chính phi tập trung vận hành và hoạt động trơn chu mà thôi.
Hơn 7.3 tỷ đô la bị khoá trong DeFi tính đến thời điểm hiện tại. © DeFi Pulse.
Kết luận
Các bạn thấy đấy, bản thân DeFi nó giống như một cuộc các mạng trong thế giới tài chính vậy. Nó làm thay đổi hoàn toàn cách nền tài chính hiện tại đang hoạt động. Thậm chí nó còn “đe doạ” sẽ loại bỏ đi nền tài chính tập trung hiện tại nữa.
Nhưng vì chúng ta mới chỉ chập chững bắt đầu với DeFi nên nếu quan sát có thể thấy các ứng dụng được xây dựng trong DeFi hiên vẫn còn khá rời rạc. Sẽ có thời điểm tất cả các ứng dụng truyền thống sẽ được xuất hiện trên DeFi và lúc đó khi mọi thứ đã đầy đủ rồi thì nó sẽ chuyển sang giai đoạn ổn định như CeFi hiện tại. Điều này thì sẽ phải cần thời gian để có thể thực hiện được điều đó.
Hi vọng với những thông tin này sẽ giúp các bạn có thêm cái nhìn toàn cảnh về DeFi và những ứng dụng của nó trong thực tế.
** Mua các đồng tiền điện tử bằng VNĐ an toàn, uy tín, giá tốt nhất tại Fiahub: Mua Bitcoin; Mua Ethereum; Mua USDT; Mua BNB; Mua ADA; Mua LINK; Mua XRP; Mua SRM; Mua LEND; Mua OGN.