Nội dung
- Công cụ theo dõi chỉ số sợ hãi và tham lam
- Cách đánh giá chỉ số sợ hãi và tham lam như thế nào?
Trong thế giới đầu tư, nhà đầu tư luôn phải đưa ra những quyết định mua hoặc bán. Tuy nhiên, hầu hết những quyết định này không được chính xác do cảm xúc của nhà đầu tư đã tác động vào quá trình mua bán, và một điều nữa là các nhà đầu tư dễ rơi vào vóng xoáy của tâm lý đám đông. Cho nên Warren Buffet đã đưa ra một lời khuyên cực kỳ quan trọng cho những nhà đầu tư:
“Hãy sợ hãi khi người khác tham lam, hãy tham lam khi người khác sợ hãi”
Tâm lý là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong đầu tư, đặc biệt là thị trường tiền mã hóa, một thị trường còn non yếu và dễ bị chi phối bởi những cá mập. Nếu bạn đã từng tham gia vào thị trường này đủ lâu, bạn sẽ biết đến 2 từ rất phổ biển là FOMO (Fear Of Missing Out) và FUD (Fear – Uncertainly – Doubt), đây là một hội chứng thường gặp với những người mới vào nghề. Nói đơn giản FOMO là hiệu ứng tâm lý khi những nhà đầu tư có khuynh hướng trở nên tham lam khi thị trường tăng giá, và FUD là hiệu ứng tâm lý khi nhà đầu tư bán tài sản của họ một cách phi lý khi nhìn thấy giá giảm.
Vậy nếu ta có thể nhìn thấy được bức tranh tâm lý tổng thể của thị trường thì sẽ có quyết định mua bán chính xác hơn, do đó có một công cụ ra đời để hỗ trợ các nhà đầu tư trở nên sáng suốt hơn trong mỗi quyết định của họ, hãy xem là công cụ gì nhé!
- Công cụ theo dõi chỉ số sợ hãi và tham lam
Crypto Fear & Greed Index là một công cụ giúp nhà đầu tư theo dõi trạng thái sợ hãi và tham lam của thị trường tiền mã hóa, những chỉ số chính để phân tích được lấy từ đồng Bitcoin, công cụ hoạt động trên trang Alternative.me.
Với công cụ này sẽ giúp cho nhà đầu tư tránh khỏi những cảm xúc không kiểm soát và đưa ra những quyết định sai lầm. Có 2 hướng giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định mua hay bán một cách đơn giản:
· Sợ hãi cực độ (Extreme fear), đây là dấu hiệu cho thấy những nhà đầu tư đang quá lo lắng khi thấy giá giảm, FUD. Đây là cơ hội tốt để mua vào.
· Khi các nhà đầu tư trở nên quá tham lam (Too greedy), là tâm lý chung của những nhà đầu tư, họ bị FOMO khi thấy giá tăng quá nhanh. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ điều chỉnh (giảm giá).
Vậy công cụ này được tính như thế nào?
Chỉ số được đo lường trên thang đo từ 0 đến 100.
· Giá trị “0” khi chỉ số chỉ sang bên trái: Sợ hãi cực độ
· Giá trị “100” khi chỉ số chỉ sang bên phải: Tham lam cực độ
· Giá trị càng thấp có nghĩa số đông nhà đầu tư đang lo sợ và muốn bán ra, ngược lại giá trị càng cao có nghĩa số đông nhà đầu tư đang tham lam và muốn mua thêm.
· Giá trị khoảng “50” có nghĩa tâm lý của số đông nhà đầu tư có tâm lý bình thường và đang chờ đợi một xu hướng mới để ra quyết định mua bán.
Giao diện thang đo sự sợ hãi và tham lam của những nhà đầu tư
Như hình trên, chỉ số đang là “38” ứng với trạng thái tâm lý Fear (Sợ hãi) cập nhật ngày 12/06/2020.
Nhà đầu tư cũng có thể tham khảo thêm chỉ số của hôm qua, tuần trước, và tháng trước. Ở khung kế tiếp đếm ngược thời gian cập nhật chỉ số tiếp theo, theo như hình thì còn 8 giờ 50 phút 34 giây sẽ cập nhật lại chỉ số.
Ngoài ra, chúng ta cũng được cung cấp thêm chỉ số trong lịch để giúp hiểu thêm về chỉ số này. Theo số liệu ngày 26/06/2019 trong biểu đồ, chỉ số tâm lý lúc này là “95”, tham lam cực độ và giá Bitcoin đạt 14000 USD, sau đó một điều rõ ràng đã xảy ra là thị trường đi vào giai đoạn điều chỉnh.
- Cách đánh giá chỉ số sợ hãi và tham lam như thế nào?
Đầu tiên, dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn cùng ngày và phân tích, tất cả dữ liệu này hiện tại chỉ dành cho bitcoin (tương lai sẽ có thêm chỉ số dành cho alt coins), nhưng thị trường alt coins hiện tại vẫn bị ảnh hưởng bởi bitcoin cho nên nhà đầu tư có thể tham khảo để ra quyết định cho một số alt coins.
Hãy xem những nhân tố nào quyết định nên chỉ số này nhé:
- Sự biến động (25%):
Hệ thống đo lường mức độ biến động hàng ngày và so sánh nó với các giá trị trung bình tương ứng trong 30 ngày và 90 ngày gần nhất. Nếu như sự gia tăng bất thường cao hơn sự biến động trung bình 30 ngày và 90 ngày gần nhất thì đấy là một dấu hiệu của một thị trường trong tình trạng sợ hãi.
- Khối lượng giao dịch (25%):
Cũng như sự biến động, hệ thống đo lường khối lượng giao dịch hiện tại và so sánh với khối lượng giao dịch trung bình của 30 và 90 ngày gần nhất. Thông thường, nếu khối lượng mua vào cao trong thị trường có trạng thái tích cực (giá có xu hướng tăng) thì thị trường đang trong tình trạng tham lam.
- Truyền thông thông qua mạng xã hội (15%)
Hệ thống sử dụng thuật toán phân tích những từ khóa để xem tốc độ và bao nhiêu lượt tương tác trong một khung thời gian trên các trang mạng xã hội (reddit, twitter,…) cho mỗi đồng coin. Một lượng tương tác cao bất thường dẫn đến một lượng quan tâm vào coin tăng lên, đồng nghĩa với thị trường đang trong trạng thái tham lam.
- Khảo sát (15%) – đang tạm dừng
Hệ thống khảo sát trên trang web strawpoll.com, đây là một nền tảng khảo sát cộng đồng khá lớn, khảo sát được diễn ra hàng tuần và mọi người được hỏi họ nhìn thấy thị trường như thế nào. Sau khoảng 2000-3000 lượt khảo sát, hệ thống sẽ nhận được một bức tranh tâm lý tổng thể của thị trường. Hệ thống không quá tập trung vào việc khảo sát, nhưng vẫn có ích khi bắt đầu những nghiên cứu về thị trường.
- Tỷ trọng vốn hóa của một đồng coin so với toàn bộ thị trường (10%)
Ở đây ta sẽ xét về Bitcoin, khi bitcoin tăng lên, thị trường đang trong tình trạng sợ hãi, và khi sợ hãi, nhà đầu tư sẽ nghĩ bitcoin an toàn hơn và chuyển vốn vào bitcoin thay vì alt coins. Ngược lại, khi thị trường tham lam, nhà đầu tư sẽ chuyển vốn vào alt coins để sinh lời cao hơn.
- Xu hướng tìm kiếm (10%)
Hệ thống dùng Google Trends để phân tích dữ liệu tìm kiếm. Ví dụ, nếu bạn kiểm tra từ “Bitcoin” vào ngày bình thường, bạn không nhận được nhiều thông tin từ lượng tìm kiếm. Nhưng vào ngày 29/05/2018, nếu bạn kiểm tra từ “Bitcoin”, bạn sẽ thấy lượng tìm kiếm tăng lên 1550% cho từ tìm kiếm “bitcoin price manipulation” (thao túng giá bitcoin), đây là một dấu hiệu của thị trường đang trong trạng thái sợ hãi.
Crypto Fear & Greed Index là một công cụ tuyệt vời để bạn có thể dự đoán được tâm lý trong thị trường và đưa ra quyết định chính xác hơn. Fiahub hy vọng bạn sẽ làm chủ được công cụ này và gặt hái được thành công trong việc đầu tư thị trường mã hóa.
Tác giả: Nguyễn Duy Anh