Cảnh sát Vương quốc Anh đã trả lại hơn 5,4 triệu USD cho các nạn nhân của một vụ lừa đảo tiền điện tử quốc tế.
Cảnh sát cho biết thêm gần 10 triệu USD sẽ tiếp tục được trả lại cho các nạn nhân. Bên cạnh đó, đến nay đã có thêm 127 người nộp đơn yêu cầu thu hồi các khoản đầu tư của họ.
Nội dung bài viết
Cảnh sát trả lại tiền cho các nạn nhân bị lừa đảo
Cảnh sát Greater Manchester thuộc Vương quốc Anh (GMP) thông báo rằng khoảng 5,4 triệu USD trong số tiền thu giữ được từ một vụ lừa đảo tiền điện tử quốc tế do các nhân viên cảnh sát của họ thực hiện vào tháng 7 năm ngoái đã được trả lại cho các chủ sở hữu hợp pháp.
Thông báo nêu chi tiết:
“Hơn bốn triệu bảng Anh đã được trả lại cho 23 nạn nhân đã được xác minh và 127 yêu cầu khác được báo cáo hiện đang được các cảnh sát điều tra cùng với các đối tác trong cơ quan thực thi pháp luật quốc tế trên toàn cầu”.
Cảnh sát lưu ý, “bảy triệu bảng nữa sẽ được trả lại cho chủ sở hữu”, tuy nhiên, thông báo không nêu rõ liệu các nạn nhân sẽ nhận lại tiền điện tử hay tiền pháp định.
“Một số tiền 22,25 triệu USD (tương đương hơn 16 triệu bảng Anh) đã được các sĩ quan chuyên môn từ Đơn vị Tội phạm Kinh tế thuộc Cảnh sát Greater Manchester thu giữ vào tháng 7/2021, sau khi các thông tin tình báo phát hiện ra nhiều USB chứa một lượng lớn đồng Ethereum”.
Tổng cộng có 150 nạn nhân từ khắp nơi trên thế giới đã liên lạc với đơn vị”. Đại diện cảnh sát nói thêm.
Họ giải thích rằng, các nhà đầu tư tiền điện tử có trụ sở tại Anh, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Úc và Hồng Kông đã gửi tiền, bao gồm cả các khoản tiền tiết kiệm vào một dịch vụ trực tuyến được xây dựng trên nền tảng Binance Smart Chain.
Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo sau đó đã khoá trang web của dịch vụ này và chuyển số tiền huy động được vào tài khoản của chúng. Một người đàn ông 23 tuổi và một phụ nữ 25 tuổi đã bị bắt vì tội lừa đảo và rửa tiền, nhưng đã được tại ngoại để điều tra thêm.
Joe Harrop, Chánh Thanh tra Đơn vị Tội phạm Mạng và Kinh tế của GMP cho biết:
“Các dịch vụ giao dịch và tiết kiệm tiền điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, với các dự án cung cấp ưu đãi cho mọi người đầu tư số tiền đáng kể, cung cấp các mã thông báo và sau đó có thể bán để thu lợi nhuận”.
“Bất kỳ ai tham gia vào các dịch vụ giao dịch và tiền điện tử này đều được khuyến nghị phải hết sức thận trọng và nghiên cứu rất nhiều vì có những rủi ro rất lớn”… Ông cảnh báo.
Như đã biết, thị trường tiền điện tử hiện chưa có những công cụ pháp lý cụ thể để quản lý cũng như bảo vệ các nhà đầu tư. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ lừa đảo hoạt động.
Trong tương lai gần, nếu chậm trễ cho ra đời những hành lang pháp lý, tình trạng lừa đảo tiền điện tử chắc chắn vẫn tiếp diễn và có thể là những hoạt động tinh vi hơn nhằm trốn tránh sự truy vết.
Những nhà đầu tư mới cần trang bị thêm kiến thức, cũng như bắt đầu bằng số tiền nhỏ nhất để làm quen cũng như hiểu được cách thức hoạt động của thị trường đầy tiềm năng và nhiều rủi ro ở thời điểm này.