Bollinger bands là một chỉ báo kỹ thuật được xác định dựa trên đường MA cơ bản. Thông qua chỉ báo này, nhà đầu tư có thể xác định được các biến động của thị trường để có bước đi phù hợp trong giao dịch của mình. Bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về chỉ báo Bollinger bands này nhé.
Nội dung bài viết
Những thông tin tổng quan về chỉ báo Bollinger bands
Chỉ báo Bollinger bands hay còn gọi là dải Bollinger bands (viết tắt là BB) giúp vẽ ra một vùng biến động của giá trên thị trường. Qua đó, nhà đầu tư (NĐT) có thể sử dụng nó để xác định sự đổi chiều của xu hướng, điểm hỗ trợ và kháng cự động,… để tìm điểm ra vào lệnh. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về chỉ báo này trong các phần dưới đây nhé.
Khái niệm
Bollinger bands là chỉ báo kỹ thuật được sử dụng nhiều trong phân tích kỹ thuật. Một chỉ báo Bollinger bands thường được xác định bởi ba đường (dải) riêng biệt khác nhau bao gồm:
- Dải giữa: Là một đường trung bình động (SMA).
- Dải trên: Tương ứng với vùng trên gía.
- Dải dưới: Tương ứng với vùng dưới giá.
Các dải trong chỉ báo Bollinger bands này sẽ tự động điều chỉnh mở rộng và cách xa nhau trong các thời điểm thị trường biến động lớn. Ngược lại, nó sẽ xích lại gần nhau khi rơi vào vùng giá ít biến động hoặc sideway.
Ý nghĩa
Dựa vào khái niệm ở bên trên, chúng ta sẽ nhận thấy Bollinger bands có một số ý nghĩa sau đây:
#1. Dải Bollinger bands trở nên gần nhau hơn
Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường gần như không có nhiều biến động (hay nói cách khác là sự biến động theo chiều hướng đi ngang – sideway). Minh chứng cho điều này là việc 3 dải trong Bollinger bands có xu hướng xích lại gần nhau hơn và tạo thành một nút thắt cổ chai (xem hình dưới đây).
Dải Bollinger bands trong thời điểm thị trường ít biến động.
Thông thường, nếu như các dải Bollinger bands duy trì trạng thái này trong một khoảng thời gian thì đây có thể là một tín hiệu mừng cho một đợt bứt phát về giá trong thời gian tới. Qua đó, nó có thể xuất hiện cơ hội giao dịch cho các NĐT.
#2. Dải Bollinger bands trở nên xa nhau hơn
Ngược lại với trường hợp trên, khi các dải Bollinger bands có xu hướng cách xa nhau thì đây là một dấu hiệu của một thị trường đang có biến động mạnh.
Dải Bollinger bands cách xa nhau khi thị trường có biến động mạnh.
Như ví dụ trên đây, vào thời điểm tháng 3/2020, giá đồng BTC có mộ sự biến động mạnh dẫn đến các dải cách xa nhau. Đây sẽ là thời điểm để các NĐT thoát vị thế.
#3. Bứt phá
Bứt phá là tín hiệu cho thấy biểu đồ giá “đâm thủng” dải trên hoặc dải dưới. Thông thường, tại những thời điểm như vậy sẽ xuất hiện một số biến cố.
Lưu ý:
- Nếu chúng ta thường xuyên quan sát chỉ số BB thì sẽ thấy sự giao thoa giữa các tín hiệu với nhau. Các dải Bollinger bands có thể mở rộng hơn sau một giai đoạn thu hẹp nhất định. Tuy nhiên, những tín hiệu đó lại không hoàn toàn là một tín hiệu giao dịch tốt. Bởi lẽ, tại thời điểm giao thoa đó, Bollinger bands không có tín hiệu nào cho biết giá sẽ biến động tăng hoặc giảm. Do đó, nếu NĐT chỉ dựa vào chỉ báo này thì sẽ khó để xác định được xu hướng tiếp theo của thị trường.
- Tương tự như vậy, sự bứt phá trong tín hiệu Bollinger bands cũng không rõ ràng cho một tín hiệu mua vào hay bán ra. Nó chỉ dự báo có thể xảy ra một biến động lớn trong thời gian sắp tới mà thôi. Còn biến động đó là tăng hay giảm thì bản thân BB không thể hiện rõ được điều này.
Cách tính toán Bollinger bands
Quay lại phần khái niệm ở trên, chúng ta thấy rằng chỉ báo Bollinger bands được cấu thành từ 3 dải khác nhau. Trong đó, dải cơ bản ở giữa là một đường MA (Moving everage). Tuỳ vào từng trường hợp mà chúng ta có thể lựa chọn đường MA này theo các phân kỳ khác nhau. Ta có một công thức chung để tính toán chỉ báo Bollinger bands như sau:
- Dải giữa: Là đường MA theo phân kỳ khác nhau (thường sẽ là 20).
- Dải trên: Bằng dải giữa + Độ lệch chuẩn.
- Dải dưới: Bằng dải giữa – Độ lệch chuẩn.
Ở đây có khái niệm độ lệch chuẩn mà bạn sẽ thấy khá lạ lẫm. Hãy hiểu đơn giản đây là một khoảng chênh lệch về giá trị tại từng thời điểm so với giá trung bình của đồng coin đó. Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc độ lệch chuẩn này sẽ không phải là một con số cố định. Nó sẽ biến thiên dựa vào mức giá trung bình của đồng coin đó.
Thông thường, nếu chúng ta lựa chọn đường MA theo phân kỳ 20, độ lệch chuẩn thường sẽ được tính là 2. Nếu phân kỳ là 50, độ lệch chuẩn sẽ là 2.5. Nếu phân kỳ là 10, độ lệch chuẩn là 1.5,…
Lưu ý: Có vẻ bạn sẽ thấy nó khá phức tạp để nhớ đúng không? Đừng lo, may mắn là chỉ báo Bollinger bands này đều được tính toán tự động và đưa thành các chỉ báo định sẵn trong các công cụ phân tích kỹ thuật rồi. Chúng ta sẽ không cần thiết phải tính toán thủ công nữa. Việc tính toán thủ công này chỉ nhằm mục đích giúp các bạn hiểu được cách thức vận hành của chỉ báo này mà thôi.
Các kịch bản sử dụng với Bollinger bands
Việc sử dụng Bollinger bands vào trong phân tích kỹ thuật có thể áp dụng với một số dạng kịch bản như dưới đây.
Giao dịch trong phạm vi các dải Bollinger bands
Dải trên và dải dưới của Bollinger bands có thể được xem như là ngưỡng kháng cự và hỗ trợ động tại thời điểm đó. Trường hợp giá chạm vào các vùng hỗ trợ và kháng cự động này, giao dịch có thể được thực hiện.
Mặc dù nó không hoàn toàn hiệu quả tại mọi thời điểm do bản thân BB không thể hiện rõ xu hướng giá. Tuy nhiên, trong những thời điểm thị trường sideway thì tín hiệu này cũng phần nào hiệu quả. Bù lại, mức sinh lợi trong những thời điểm thị trường như thế này thường sẽ là không cao.
Giao dịch tại điểm nút thắt
Sau một chuỗi Bollinger bands sideway kéo dài giá có thể bứt phá tại các thời điểm biểu đồ giá cắt dải trên hoặc dải dưới. Mặc dù tín hiệu này không cho biết chính xác giá sẽ biến động theo chiều hướng tăng hay giảm, tuy nhiên thông thường tại đây sẽ có một biến động lớn. Các NĐT có thể canh những nhịp điều chỉnh lại sau các điểm “đâm thủng” này để mở hoặc đóng vị thế hiện tại.
Giao dịch tại điểm nút thắt trong trường hợp đồng BTC vào giữa tháng 7/2020.
Hình trên là biểu đồ giao dịch đồng BTC. Giá BTC đã có một thời điểm đủ dài trong giai đoạn sideway từ tháng 5/2020. Đến giữa tháng 7/2020, biểu đồ giá có dấu hiệu cắt dải trên của đường Bollinger bands. Ngay sau đó, đồng BTC chứng kiến một mức tăng kỷ lớn và tiếp tục duy trì đà tăng đó để đạt được kỳ tích mới như thời điểm hiện tại. Ở thời điểm mình viết bài này, giá đồng BTC để vượt mức ATH (All-high-time) trong lịch sử năm 2017. Thời điểm cao nhất, 1 BTC có giá hơn $19,900.
Kết luận
Qua bài viết này, chúng ta thấy rằng, bản chất của Bollinger bands là cung cấp một khái niệm tương đối về định nghĩa giá cao, giá thấp và giá trung bình tại một thời điểm giao dịch. Mặc dù nó không đóng vai trò là một chỉ báo giúp các NĐT xác định xu hướng nhưng trong một số trường hợp nhất định, nó có thể giúp xác định các điểm ra/vào lệnh phù hợp.
Trên đây là một số thông tin cơ bản nhât về chỉ báo Bollinger bands. Bạn có thể vận dụng nó đối với tất cả các phân tích kỹ thuật cho thị trường tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Lưu ý, mọi tín hiệu xảy ra đều chỉ mang tính tương đối. Để đưa ra quyết định chính xác nhất, các NĐT nên kết hợp nhiều chỉ số khác nhau để giảm tối đa độ nhiễu gặp phải của từng chỉ số nhất định.
Mua Bitcoin, Mua BTC
Mua Ethereum, Mua ETH
Mua Tether, Mua USDT