BlockFi phải chịu một khoản phạt lên đến 100 triệu USD cho các cơ quan quản lý chứng khoán liên bang và tiểu bang.
Nội dung bài viết
BlockFi bị phạt 100 triệu USD
BlockFi là một công ty cho vay tiền điện tử (Crypto lending). BlockFi kiếm tiền, một phần, bằng cách trả lãi suất lên tới 10% cho các khoản tiền gửi tiền điện tử như Bitcoin và stablecoin, sau đó cho vay tài sản với lãi suất cao hơn. Công ty đã và đang trả lợi tức cao cho những khách hàng lưu trữ Bitcoin hoặc các loại tiền điện tử khác trong Blockfi Interest Account (BIA) của họ.
Theo Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), BIA được xếp là chứng khoán nhưng không được BlockFi đăng ký. SEC còn cáo buộc rằng BlockFi đã phóng đại quá mức khả năng mà nó đảm bảo sự bảo vệ khỏi các vụ vỡ nợ của những người đi vay thông qua tài sản thế chấp. Hiểu đơn giản là các khoản vay của họ đều không có đủ tài sản thế chấp như những gì mà họ công bố.
Công ty phải nộp phạt 50 triệu USD cho SEC, 50 triệu USD cho 32 tiểu bang. Ngoài khoản tiền phạt này, BlockFi phải ngừng cho phép người dùng đăng ký tài khoản mới và đáp ứng các yêu cầu của Investment Company Act trong vòng 60 ngày. Bản thân BlockFi hiện tại không thừa nhận cũng không phủ nhận các cáo buộc này của SEC.
Sau BlockFi, các DAO trong lĩnh vực Crypto lending cũng có thể rơi vào tầm ngắm
Phản ứng lần này từ SEC đã gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng tiền điện tử. Đơn giản vì họ cho rằng BlockFi đang cung cấp một sản phẩm rất đơn giản mà lẽ ra phải dễ dàng đăng ký. Tuy nhiên, điều này chắc chắn không phải là lý do để SEC nhượng bộ. Lấy vụ kiện với Ripple là một ví dụ điển hình. Bản thân BlockFi cũng dự định chuyển BlockFi Yield thành một loại chứng khoán có lãi suất của tiền điện tử và được đăng ký với SEC. Mục đích là giúp cho khách hàng có thể kiếm được tiền từ các loại tiền điện tử của họ.
Tuy nhiên, có vẻ như quãng thời gian tới đây sẽ là những tháng ngày khó khăn với nền tảng này. Họ sẽ không được phép nhận thêm tiền điện tử nào từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ cho đến khi công ty đăng ký sản phẩm cho vay tiền điện tử mới theo mẫu S-1. Và đương nhiên, để có được S-1 thường là một quá trình kéo dài hàng tháng, thậm chí là lâu hơn khi bản thân các cơ quan Chính phủ đang tìm cách giám sát chặt chẽ lĩnh vực tiền điện tử như hiện nay.
Đáng chú ý hơn, bản thân BlockFi cũng đang gặp vấn đề về pháp lý. Nó không thể đăng ký như một công ty đầu tư được. Với tình hình như hiện tại thì mốc thời gian 60 ngày để đáp ứng các yêu cầu của Investment Company Act sẽ khó có thể thành hiện thực, ngay cả khi nó được gia hạn thêm 30 ngày nữa.
Với động thái lần này của SEC khi nhắm vào BlockFi phần nào đã báo hiệu nguy hiểm cho các mô hình DAO trên thị trường. Nhiều nhóm trực tuyến đã được thành lập dưới dạng các DAO để gom quỹ và đầu tư. Họ phát hành các token dành riêng cho DAO và nó hoạt động giống như cổ phiếu với quyền biểu quyết và cổ phần trong một công ty. Một số dự án này cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi một số chủ sở hữu các token đó.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.