Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã đạt mức kỷ lục mới trong 4 thập kỷ là 8.6%.
Theo dữ liệu mới nhất do Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ công bố ngày hôm nay, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1% vào tháng 5. Điều này đã đưa tỷ lệ lạm phát hàng năm hiện tại ở Mỹ lên mức cao nhất trong 41 năm là 8.6%. Báo cáo cho thấy giá cả tăng trên diện rộng, trong đó chi phí cho chỗ ở, xăng dầu và thực phẩm là những yếu tố đóng góp lớn nhất cho tình trạng tăng phi mã này. Chỉ số Shelter tăng 0.6% trong tháng 5 và đây cũng là mức tăng hàng tháng đáng kể nhất kể từ tháng 3/2004. Chỉ số năng lượng và xăng dầu lần lượt tăng 3.9% và 4.1% sau khi giảm tạm thời vào tháng 4.
Sự sụt giảm tạm thời của lạm phát vào tháng trước, thấp hơn 20 điểm cơ bản so với tháng 3, khiến nhiều nhà kinh tế tin rằng lạm phát có thể đã lên đến đỉnh điểm và chính sách thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giúp tiếp tục hạ thấp nó trong những tháng tới. Theo một cuộc khảo sát của Wall Street Journal, các nhà kinh tế đã dự báo CPI tháng 5 ở mức 8.3%, thấp hơn 30 điểm cơ bản so với tình hình thực tế.
Lạm phát vẫn ở mức cao bất chấp những nỗ lực của FED trong việc tăng các mức lãi suất chính và từ từ bắt đầu giảm bớt lượng tài sản nắm giữ trong bảng cân đối kế toàn trị giá gần 9,000 tỷ USD của mình. Để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, FED có thể phải bắt đầu tăng lãi suất vượt quá 50 điểm cơ bản cùng một lúc hoặc tăng tốc độ bán tài sản của mình. Điều này sẽ khiến tín dụng trở nên đắt đỏ hơn, thu hẹp nguồn cung tiền luân chuyển trong nền kinh tế, cắt giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ, và cuối cùng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty.
Không có gì ngạc nhiên về phản ứng tiêu cực của thị trường sau tin tức này. Theo ghi nhận của Fiahub, chỉ số Nasdaq-100 và S&P 500 lần lượt giảm 2.92% và 2.58% khi thị trường Hoa Kỳ mở cửa. Không nằm ngoài xu hướng chung, thị trường tiền điện tử cũng cho thấy những tín hiệu xấu khi hai đồng tiền hàng đầu là Bitcoin giảm 2.6% và Ethereum giảm 3.7% giá trị. Các loại tiền điện tử nhỏ hơn như Aave, Chainlink và Cardano bị ảnh hưởng nặng nề hơn, mỗi loại giảm khoảng 9% tại thời điểm Fiahub viết bài này.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.