Nội dung bài viết
Tổng quan thị trường tiền ảo
Tuần cuối của tháng 7/2021, thị trường Crypto chứng kiến một đợt bán tháo lớn. So với thời điểm giá cả lập đỉnh vào hồi giữa tháng 4/2021, một số đồng coin vốn hóa lớp thuộc top đầu đã mất phân nửa giá trị. Cụ thể, giá Bitcoin (BTC) sụt giảm 55,56% về mức thấp nhất ở 28.797 USD trên sàn Coinbase. Hoặc Ethereum (ETH) cũng chứng kiến mức giảm lên đến 61,22% từ mức đỉnh 4.372 USD về mức 1.700 USD.
Kịch bản này khá giống so với thời điểm năm 2017 – 2018 khi giá của phần lớn các đồng coin này cũng mất đến 80% giá trị trước khi đi vào giai đoạn sideway theo chu kỳ kéo dài 4 năm liền. Điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư (NĐT) tin rằng mùa tăng trưởng lần này đã kết thúc và thị trường bắt đầu đi vào mùa đông Crypto. Tuy nhiên, có vẻ như niềm tin này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, kéo dài 49 ngày (tương đương với 49 thanh nến ngày) trước khi giá hồi phục lại phần lớn giá trị vào ngày 6/9. Theo ghi nhận, giá BTC có thời điểm chạm mốc 52.802 USD và ETH ở mức 3.970 USD.
Những tín hiệu tích cực từ việc âm thầm thu gom của các “cá voi” cũng như sự góp mặt tham gia của các công ty, quốc gia trên thế giới được xem như là những lý giải cho hành động tăng giá lần này. Cộng thêm với việc hàng loạt các dự báo về việc giá của các đồng như BTC hay ETH có thể đạt được mức đỉnh mới vào cuối năm 2021 phần nào đã củng cố thêm tinh thần cho các nhà đầu tư.
Chỉ số NUPL của BTC hiện trong vùng Belief — Denial. Nguồn: Glassnode.
Hình trên đây cho thấy mức độ hưng phấn của các NĐT với Bitcoin trong giai đoạn này. Thị trường trở nên hưng phấn trở lại (Belief — Denial) và chỉ số NUPL dao động trong vùng từ 0.5 đến dưới 0.75. Theo số liệu từ các lần trong lịch sử, khi chỉ số NUPL di chuyển từ vùng Optimism — Anxiety sang Belief — Denial, tương ứng với đó là các đợt tăng giá của BTC.
Tuy nhiên, hôm 7/9 vừa qua, thị trường chứng kiến một đợt “sell off” khủng gây ảnh hưởng đến hàng loạt các đồng coin thuộc top đầu. Trong phần tiếp theo của bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về sự kiện điều chỉnh giá đột ngột này để xem chúng có gì khác biệt nhé.
Hơn 3 tỷ USD các lệnh long bị thanh lý
Giá BTC mất 19% với một thanh nến đỏ kéo dài khiến giá có thời điểm trở về mức thấp nhất tại vùng 42.000 USD. Vậy câu hỏi đặt ra là lực bán này đến từ đâu? Thông thường, lực bán lớn sẽ xảy ra có thể do một lượng lớn nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) hoặc nhóm các thợ đào bán tháo BTC của mình. Tuy nhiên, trong lần sell off lần này, nguyên nhân có thể đến từ các lệnh long bị thanh khoản trên các sàn giao dịch tiền điện tử.
Cụ thể, chỉ tính riêng ngày 7/9/2021, một lượng lớn các lệnh long trên các sàn giao dịch đã bị thanh lý, giá trị ước tính lên đến 3,22 tỷ USD. Trong đó, riêng sàn Bybit là 1,19 tỷ USD, Binance khoảng 640 triệu USD. Phần lớn các lệnh long bị thanh lý này đến từ BTC với giá trị khoảng 1,23 tỷ USD; ETH với khoảng 840 triệu USD. Tình trạng này xảy ra có thể là nguyên nhân của việc có khá nhiều lệnh futures được mở khiến cho nhiều lệnh đã bị thanh lý.
Số lượng lệnh long bị thanh lý tại các sàn giao dịch. Nguồn: bybt.com.
Ngoài ra, góp một phần trong đợt sell off lần này cũng là các NĐT nhỏ lẻ trên thị trường. Tuy nhiên, theo một số thống kê từ CryptoQuant, phần lớn lực bán lại không đến từ những nhà đầu tư lâu dài (Long time holder). Bởi lẽ, tại thời điểm giá xuống, chỉ có một phần nhỏ bộ phận các NĐT lâu dài di chuyển BTC của họ với mức giá lỗ so với những gì họ sở hữu. Trong khi đó, những người hoảng loạn và bán tháo BTC của mình lại là những NĐT ngắn hạn (Short time holder), những người lưu trữ BTC dưới 155 ngày.
Giá cả có sự hồi phục nhanh chóng
Cùng nhìn lại biểu đồ biến động giá BTC thời điểm đó, nếu chỉ xét trên khung thời gian 5 phút, chúng ta sẽ thấy giá có sự hồi phục lại ngay tức thì. Thậm chí, có thời điểm giá bật tăng về mức ~ 49.000 USD, ngang bằng với giá trước khi đợt sell off diễn ra. Dường như có một lực mua đã chờ sẵn tại các sàn giao dịch để trực chờ “bắt đáy” khi giá giảm. Hình dưới đây sẽ cho thấy tốc độ mua đáng kinh ngạc của thị trường trong thời điểm đó.
Sự hồi phục giá của BTC xét theo khung thời gian 5 phút. Nguồn: TradingView.
Ở một góc nhìn khác, sự hồi phục về giá này có thể đến từ động thái thu mua của các NĐT tổ chức. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong ngày 7/9, mức độ chênh lệch về giá BTC trên sàn Coinbase cao hơn giá BTC trên Binance ở mức 30,77 USD. Tại thời điểm sự bán tháo diễn ra, con số này đã vượt mức 150 USD trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy áp lực mua trên sàn Coinbase lớn hơn hẳn so với tại Binance.
Chỉ số BTC: Coinbase premium gap giữa hai sàn Coinbase và Binance. Nguồn: CryptoQuant.
Từ trước đến nay, Coinbase vẫn được xem như là một sàn giao dịch mà các cá voi thường xuyên sử dụng. Quay lại sự kiện flash crash ngày 19/5/2021 vừa qua, mức chênh lệch này đã lên tới gần 500 USD.
Liệu rằng thị trường đã đi vào giai đoạn mùa đông Crypto?
Dựa theo các chỉ số on-chain của thị trường, rất có thể đây chỉ là một trong những đợt điều chỉnh xét trong mỗi một chu kỳ tăng gia mà thôi. Bởi lẽ:
- Thứ nhất, trong quá khứ từ năm 2016 cho đến cuối năm 2017, khi BTC tịnh tiến từ mức trên 3.000 USD lên mức ATH gần 20.000 USD, giá không tăng theo một quỹ đạo liên tục. Trong chu kỳ tăng giá đó, có không ít lần giá BTC không ít lần điều chỉnh ở mức từ 29% – 38%. Nếu điều này trong lịch sử lặp lại, chúng ta cũng có thể xem đợt sell off vừa rồi cũng giống như một đượt điều chỉnh của thị trường mà thôi.
Các đợt điều chỉnh giá của BTC trước khi ATH vào cuối 2017.
- Thứ hai, không giống như các lần trước đây, sau những đợt điều chỉnh trong năm 2021, chúng ta luôn thấy có một sự thu mua đến từ các NĐT tổ chức. Kéo theo đó là lượng BTC, ETH trên các sàn giao dịch đang có dấu hiệu giảm dần. Giả thuyết được đưa ra ở đây là số lượng BTC và ETH này được thu mua và các NĐT đã rút về ví lạnh để lưu trữ thay vì lưu trữ trên ví nóng tại các sàn giao dịch.
Lượng BTC trên các sàn giao dịch hiện đang ở mức thấp so với năm 2020.
- Thứ ba, lượng stablecoin đạt mức cao kỷ lục trong những năm qua. Chỉ tính riêng Tether, vốn hóa đã đạt đến 70 tỷ USD tại thời điểm hiện tại. Theo CryptoQuant, lượng stablecoin đưa lên các sàn giao dịch đang có dấu hiệu gia tăng dần đều. Có vẻ như các NĐT luôn tích sẵn để sẵn sàng có thể mua vào khi giá có biến động giảm.
Lượng stablecoin trên các sàn giao dịch tăng dần đều.
Tổng kết
Như vậy, đây là lần thứ 3 trong năm 2021, thị trường tiền điện tử chứng kiến mức biến động lớn về giá cả của các đồng coin. Các tin đồn thất thiệt (FUD), các quốc gia như Trung Quốc cấm khai thác và giao dịch Bitcoin,… có thể sẽ là những tác nhân khiến cho giá điều chỉnh mạnh.
Sau mỗi đợt điều chỉnh là luôn những cú bắt đáy của những nhà đầu tư lớn. Thời gian gần đây, sự FOMO không chỉ đến từ các nhà đầu tư tổ chức mà còn bao gồm các các quốc gia như El Salvador hay Panama,… Qua đó chúng ta có thể thấy các đợt điều chỉnh được xem như là yếu tố cần thiết để thúc đẩy giá trị của các đồng coin như Bitcoin hay Ethereum. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro xảy đến sau mỗi lần thị trường điều chỉnh, các NĐT nên có những chiến lược giao dịch phù hợp và trung thành với từng chiến lược đó.
Hi vọng bài viết đã mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo tại Fiahub nhé.